Cảnh sát New York đứng bên ngoài cửa tiệm Apple. Ảnh: AP |
Trong văn bản đệ trình lên tòa ngày 28/3 yêu cầu khép lại vụ việc, các công tố viên liên bang nêu rõ Chính phủ Mỹ đã thành công trong việc lấy dữ liệu từ chiếc iPhone của Syed Farook, một thủ phạm trong vụ xả súng làm 14 người thiệt mạng tại bang California và do đó không cần tới sự trợ giúp từ Apple. Công tố viên Mỹ Eileen Decker cho biết FBI quyết định chấm dứt vụ kiện sau khi nhận được sự giúp đỡ của một bên thứ 3.
Lực lượng chức năng Mỹ không công bố chi tiết danh tính "bên thứ 3" trong vụ việc cũng như thông tin về những dữ liệu thu được trong chiếc iPhone nghi vấn. Một số nguồn tin truyền thông đưa tin FBI đã được một công ty điều tra hình sự Israel hỗ trợ kỹ thuật.
Ngay sau diễn biến mới nhất trên, FBI đã vấp phải nhiều chỉ trích của dư luận, cho rằng cơ quan này đã không thành thật khi nhiều lần khẳng định trước đó rằng sự vào cuộc của Apple là phương án duy nhất trong vụ việc. Tờ "Wall Street Journal" chỉ trích FBI có động cơ khác và nhắm tới không chỉ một chiếc điện thoại iPhone. Đáp lại, Giám đốc FBI James Comey bác bỏ các cáo buộc trên đồng thời khẳng định lực lượng điều tra chỉ quyết định chấm dứt vụ kiện sau khi nhận được sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Tranh cãi về vấn đề giải mã các thiết bị thông minh bùng lên sau khi hãng Apple đệ đơn phản đối lệnh của một thẩm phán Mỹ yêu cầu hãng này hỗ trợ FBI "bẻ khóa" chiếc iPhone của thủ phạm Farook. Phía Apple cho rằng yêu cầu của FBI là một động thái nguy hiểm, phá vỡ một số tính năng bảo mật quan trọng, đồng thời phá bỏ những thành tựu về bảo mật mà hãng này đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua để bảo vệ khách hàng.
Cuộc chiến pháp lý giữa Chính phủ Mỹ và “đại gia” công nghệ cũng tạo ra hai luồng ý kiến trái ngược. Một bên là các hãng, tập đoàn và chuyên gia công nghệ lên tiếng ủng hộ Apple và một bên là các cơ quan thực thi pháp luật và an ninh lại cho rằng phán quyết đứng về phía Apple có thể ảnh hưởng đến công tác điều tra và thực thi pháp luật.