Theo tờ "New York Times" ra ngày 1/9, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã tăng cường giám sát những người Syria đang sống tại nước này trước khi một cuộc tấn công quân sự vào Syria có thể nổ ra. Một tiệm bánh Syria tại New York, Mỹ. Ảnh: flickr.com
|
FBI - cơ quan tình báo nội địa của Mỹ - và Bộ An ninh Nội địa nước này cũng đã cảnh báo các cơ quan liên bang và công ty tư nhân rằng bất kỳ cuộc tấn công nào của Mỹ vào Syria cũng đều làm bùng phát các vụ tấn công mạng. Trong vài tháng gần đây, nhóm tin tặc tự xung là ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, vốn được biết đến với tên gọi "Quân đội Tác chiến điện tử Syria", đã đánh sập website của một số công ty Mỹ, trong đó có cả tờ "New York Times".
Theo tờ báo này, các nhân viên FBI sẽ tiến hành phỏng vấn hàng trăm người Syria trong những ngày tới. Các quan chức cấp cao của FBI đã chỉ đạo các văn phòng điều tra bám sát các nguồn tin về người Syria trong một nỗ lực nhằm nhận diện bất kỳ cuộc tấn công trả đũa nào. Những người Syria thuộc diện điều tra sẽ bị giám sát chặt chẽ.
Giới chức Mỹ đặc biệt lo ngại vì Iran, đồng minh thân cận của Syria, đã cảnh báo bất kỳ hành động quân sự nào nhằm vào Syria sẽ khiến Israel hứng chịu hậu quả.
Trong khi đó, ngày 1/9, theo báo “The Sunday Express”, trước khả năng Mỹ sẽ can thiệp quân sự vào Syria, Ấn Độ đã khẳng định sự ủng hộ đối với một tiến trình do Liên hợp quốc (LHQ) dẫn đầu, coi đây là giải pháp tốt nhất và duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria. Ngoài ra, New Delhi cũng khuyến cáo công dân Ấn Độ hiện đang có mặt tại Syria hãy rời khỏi nước này.
Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid nhấn mạnh: “Một tiến trình thông qua LHQ là giải pháp tốt nhất và duy nhất để giải quyết tình hình Syria. Một khi LHQ hành động, Ấn Độ sẵn sàng đưa ra các quyết định. Chắc chắn Ấn Độ sẽ ủng hộ một tiến trình do LHQ dẫn đầu”.
Tuy nhiên, ông Khurshid nói rằng những cái chết do các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học gây ra là “hoàn toàn không thể chấp nhận và là một thảm họa”. Theo ông, điều khiến Ấn Độ cực kỳ lo ngại là có tới 6,5 - 7 triệu công dân Ấn Độ đang ở khu vực Trung Đông. Ấn Độ hy vọng nhìn thấy một "tia sáng ở cuối đường hầm" và ủng hộ tổ chức đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ) giai đoạn hai (Geneva-II).
Báo trên cho biết hiện các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ vẫn chia rẽ lập trường về khả năng tấn công quân sự tại Syria. Hiện mới chỉ có Mỹ tỏ rõ ý định về hành động tấn công quân sự, Quốc hội Anh còn cân nhắc thận trọng, trong khi Nga không ủng hộ hành động như vậy. Lập trường của New Delhi được coi là quan trọng bởi Ấn Độ nằm trong nhóm các nước không ủng hộ chính sách can thiệp quân sự đơn phương hiện nay của Mỹ.
T.N (Theo AFP)