Trong một tuyên bố chung, hai cơ quan trên cho biết do dự kiến sẽ có sự gia tăng số phiếu bầu qua đường bưu điện vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, các quan chức bầu cử địa phương có thể phải mất nhiều ngày để hoàn tất việc kiểm phiếu và công bố kết quả. Những kẻ xấu có thể lợi dụng sự chậm trễ đó để phát tán các thông tin giả mạo và bịa đặt như có gian lận trong quá trình bầu cử và cơ sở hạ tầng bị lỗi hoặc bị tấn công, từ đó khiến công chúng hoài nghi về tính hợp pháp của cuộc bầu cử. Tuyên bố nêu rõ: "Các đối tượng nước ngoài và tội phạm mạng có thể tạo các trang web mới, thay đổi các trang web hiện có và tạo ra hoặc chia sẻ các nội dung truyền thông xã hội tương ứng để truyền bá những thông tin sai lệch. Những hành động như vậy có thể nhằm mục đích gây nghi ngờ tiến trình bầu cử và làm suy giảm niềm tin của người dân đối với các thể chế dân chủ Mỹ."
Trước nguy cơ trên, FBI và Cơ quan An ninh mạng và cơ sở hạ tầng Mỹ kêu gọi người dân kiểm tra và thận trọng với những thông tin mà họ tiếp nhận được, và chỉ nên tìm hiểu từ các nguồn thông tin đáng tin cậy như các quan chức bầu cử. Hai cơ quan này cũng khuyến khích người dân báo cáo các hành vi phát tán thông tin sai lệch đáng ngờ cho FBI và ban quản trị các nền tảng truyền thông xã hội.
Lời kêu gọi của FBI và cơ quan an ninh mạng đưa ra trong bối cảnh các nhà nghiên cứu và các công ty truyền thông xã hội cho biết đã phát hiện nhiều âm mưu của các đối tượng trong nước và nước ngoài hòng làm gia tăng sự hoài nghi đối với các cuộc bầu cử.
Gần đến ngày bầu cử, các mạng xã hội đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn việc lan truyền các thông tin sai lệch. Trong bước đi mới nhất, Facebook cho biết đã dự phòng các kế hoạch khẩn cấp nhằm ngăn chặn một số nội dung hiển thị trên nền tảng của mình trong trường hợp xảy ra "sự hỗn loạn" hoặc bất ổn dân sự sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
Trao đổi với tờ Financial Times, ông Nick Clegg, người phụ trách các vấn đề toàn cầu của Facebook, cho biết mạng xã hội lớn nhất thế giới này có thể triển khai các biện pháp đặc biệt nhằm "hạn chế việc lưu hành các nội dung" trong trường hợp phát sinh bất ổn. Ông khẳng định Facebook đã tích cực hành động nhằm ngăn chặn phát tán các tin đồn hay thông tin sai lệch tại những khu vực khác trên thế giới, những nơi được cho tồn tại tình trạng bất ổn thực sự. Mặc dù không tiết lộ nhiều về kế hoạch trên, song ông Clegg cho biết trong thời kỳ bất ổn trước đây ở Myanmar hay Sri Lanka, Facebook đã thực thi một số biện pháp, trong đó có giảm phạm vi tiếp cận nội dung được những đối tượng vi phạm quy tắc chia sẻ nhiều lần.
Phát biểu trên của ông Clegg phù hợp với những thông tin trước đó rằng Facebook có thể triển khai một "công tắc tiêu diệt" nhằm ngăn chặn việc lan truyền các thông tin sai lệch trong trường hợp xảy ra tranh cãi xung quanh các kết quả của cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Cả Facebook và Twitter đang phải đối mặt với sức ép phải xử lý các thông tin chính trị sai lệnh, do các đối tượng nước ngoài hay các tổ chức trong nước phát tán.
Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, Facebook thông báo đã loại bỏ một mạng lưới các tài khoản giả mạo, trong đó có các tài khoản từ Trung Quốc, có hành vi can thiệp vào tình hình chính trị khu vực châu Á và Mỹ. Theo đó, công ty cho biết đã gỡ bỏ 155 tài khoản, 11 trang, 9 nhóm trên mạng xã hội Facebook cùng với 6 tài khoản trên Instagram vì vi phạm chính sách chống hành vi can thiệp của nước ngoài trong các âm mưu lừa đảo. Các tài khoản và các trang thông tin được theo dõi nhiều nhất tập trung ở Philippines với hơn 100.000 người theo dõi. Trong khi đó, các tài khoản của Mỹ có lượng người theo dõi ít hơn, chưa tới 3.000 người, và đăng nội dung kích động phe Dân chủ và Cộng hòa trong cuộc bầu cử sắp tới.
Người đứng đầu chính sách an ninh của Facebook Nathaniel Gleicher cho biết chiến dịch truy quét này được thực hiện trong khuôn khổ cuộc chiến chống "các hành vi giả mạo có phối hợp" và đánh dấu lần đầu tiên Facebook xử lý các tài khoản giả mạo có nguồn gốc từ Trung Quốc dựa trên lý do can thiệp vào hoạt động chính trị tại Mỹ.