Theo FAO, chỉ số giá lương thực tăng 3,1% trong năm 2020 và cao hơn trung bình 2,9 điểm so với năm 2019. Tính riêng trong tháng 12/2020, chỉ số giá lương thực cũng tăng 2,2% so với tháng trước đó và đạt mức trung bình 107,5 điểm, do giá dầu thực vật, sản phẩm sữa, thịt và ngũ cốc tăng vọt.
Chỉ số giá dầu thực vật tháng 12/2020 cũng tăng 4,7% so với tháng trước, đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2012. FAO cho biết việc chỉ số giá trên tiếp tục tăng trong tháng 12/2020 chủ yếu được thúc đẩy bởi giá dầu cọ ổn định, trong khi giá dầu đậu nành, hạt cải dầu và hạt hướng dương đều tăng. Giá dầu cọ thế giới có xu hướng tăng do nguồn cung hạn chế từ các nước sản xuất dầu cọ lớn.
Trong khi đó, giá các sản phẩm sữa đã tăng 3,2% trong tháng 12 so với tháng trước. Điều này là vì nhu cầu nhập khẩu toàn cầu tăng mạnh và những lo ngại về tác động bất lợi của điều kiện thời tiết khô và ấm hơn đối với sản xuất sữa của châu Đại Dương.
FAO cũng lưu ý trong tháng 12/2020, chỉ số giá thịt đã tăng 1,7% và giá ngũ cốc tăng 1,1% so với tháng 11. Tuy nhiên, chỉ số giá đường trung bình đạt 87,0 điểm trong tháng trước, giảm nhẹ 0,5 điểm sau khi tăng trong tháng 11/2020.
Chỉ số giá lương thực của FAO là một chỉ số đo lường sự thay đổi hàng tháng về giá của 5 nhóm hàng hóa thực phẩm chính trên thị trường quốc tế, bao gồm: ngũ cốc, thịt, sữa, dầu thực vật và đường.