Eurozone nhất trí "bơm" 159 tỷ euro cho Hy Lạp

Tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) diễn ra ngày 21/7 tại Brúcxen, lãnh đạo các nước thành viên trong khu vực đã đạt nhất trí "bơm" thêm cho Hy Lạp 159 tỷ euro, để cứu "Xứ sở của các vị thần" khỏi vỡ nợ, đồng thời hy vọng nỗ lực này sẽ giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công lan ra khắp châu Âu.


(Từ trái sang phải) Thủ tướng Hylap George A. Papandreou, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso tại hội nghị. AFP/TTXVN


Eurozone buộc phải xem xét gói cứu trợ mới dành cho Hy Lạp sau khi gói cứu trợ thứ nhất trị giá 110 tỷ euro mà Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dành cho Aten tháng 5 năm ngoái không đủ để giúp nền kinh tế này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công.

Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị khẳng định phần đóng góp của các chính phủ Eurozone và IMF tổng cộng sẽ là 109 tỷ euro, trong khi khu vực tư nhân đồng ý góp 50 tỷ euro. Tuyên bố nêu rõ: "Khoản cứu trợ này được đưa ra về cơ bản dưới hình thức lãi suất thấp và kỳ hạn thanh toán được gia hạn nhằm cải thiện tối đa khả năng chống chọi nợ và tái cơ cấu tài chính của Hy Lạp". Để nới lỏng việc thanh toán nợ cho Hy Lạp đối với các khoản vay khẩn cấp này, hội nghị đã nhất trí gia hạn thời gian trả nợ từ 7,5 năm lên tối đa 30 năm trong một số trường hợp, với lãi suất là 3,5%.

Trước đó, Hy Lạp và Ailen đã nhiều lần đề nghị Cơ chế ổn định tài chính châu Âu (EFSF) áp dụng các điều kiện cho vay dễ dàng hơn, để giúp họ khôi phục sức mạnh của khu vực tài chính.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet nhận định rằng thỏa thuận trên là một bước đi quan trọng và là thành công của châu Âu. Trong khi đó, Chủ tịch EU Herman Van Rompuy nói rằng quyết định trên cho thấy châu Âu không nao núng trong việc bảo vệ liên minh tiền tệ cũng như đồng tiền chung của khối.

Phát biểu sau Hội nghị, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết việc khu vực tư nhân tham gia gói cứu trợ mới cho Hy Lạp là một ngoại lệ đối với Eurozone. Các nhà lãnh đạo Eurozone đã nhắc lại nhiều lần rằng sự tham gia này là “tự nguyện” và sẽ không phải là một phần trong bất kỳ gói cứu trợ nào trong tương lai cho các quốc gia khác. Ngoài ra, nếu Hy Lạp vẫn không trả được hết khoản nợ 350 tỷ euro (tương đương với 160% GDP của nước này) thì ECB và các ngân hàng tư nhân sẽ tiếp tục can thiệp.


Cũng theo Tổng thống Sarkozy, việc quyết định trợ giúp Hy Lạp là một cử chỉ mang tính lịch sử, tạo ra "sự khởi đầu cho Quỹ Tiền tệ châu Âu". Đây cũng là bước tiến mà nhiều chuyên gia đã dự đoán tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường Eurozone lần này.

Các thị trường chứng khoán châu Âu, đặc biệt là Mađrít và Milan đồng loạt ghi điểm, trong khi đồng euro cũng tăng giá so với USD, ngay khi có thông tin Eurozone đồng ý nới lỏng điều kiện cho vay đối với các nước thành viên khu vực đang "ngập" trong nợ nần.

Trang Nhung
Đề xuất đảo nợ cho Hy Lạp
Đề xuất đảo nợ cho Hy Lạp

Sau khi lóe lên tia hy vọng yếu ớt trong cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang quay sang ủng hộ các nhà lãnh đạo khu vực đồng euro khi họ chật vật bảo vệ đồng tiền chung và cả khối Eurozone.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN