Cờ Liên minh châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo các nguồn tin trong ngành và giới chức thương mại EU, các biện pháp đang được thảo luận bao gồm việc cắt giảm thuế, áp hạn ngạch nhập khẩu và cho phép những nhà sản xuất ô tô EU được khấu trừ thuế dựa trên giá trị xuất khẩu từ Mỹ, nhằm đạt được một thỏa thuận khung trước hạn chót ngày 1/8 do Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra.
Phát biểu hôm 8/7, ông Trump cho biết sẽ “có thể” thông báo cho EU trong vòng hai ngày về mức thuế áp dụng đối với ô tô xuất khẩu sang Mỹ, đồng thời khẳng định EU đã trở nên hợp tác hơn.
Trong quá trình đàm phán, các nhà thương lượng EU đang tìm kiếm sự nhượng bộ từ Mỹ đối với những lĩnh vực then chốt như ô tô và hàng không. Một nhà ngoại giao EU từng nói rằng ô tô là “lằn ranh đỏ”, đồng nghĩa việc Mỹ giảm thuế ô tô là điều kiện tiên quyết để đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.
Kể từ tháng 4/2025, các nhà sản xuất ô tô EU đã phải chịu thêm mức thuế 25% khi xuất khẩu sang Mỹ, ngoài mức thuế cơ bản 2,5%. Đây là mức thuế riêng biệt với loại “thuế đối ứng” 20% từng được ông Trump tuyên bố, sau đó đã tạm thời giảm xuống mức cơ sở 10%.
Hiện các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp diễn và chưa rõ chính quyền Tổng thống Trump có chấp nhận toàn bộ điều kiện từ EU – đối tác thương mại song phương lớn nhất của Mỹ – hay không.
Theo một số nguồn tin từ cả hai bên, các cuộc đàm phán đang diễn ra “nhanh chóng”. Một đề xuất đang được cân nhắc là cơ chế khấu trừ thuế đối với các hãng sản xuất ô tô có hoạt động xuất khẩu từ Mỹ ra thị trường quốc tế. Theo đó, nếu một hãng xe xuất khẩu sản phẩm từ Mỹ, họ sẽ được cấp “tín dụng thuế” tương ứng với giá trị xuất khẩu đó và được dùng để bù trừ thuế khi nhập xe từ EU vào Mỹ. Giá trị vượt quá mức tín dụng sẽ phải chịu mức thuế cao nhất.
Cơ chế này có thể đặc biệt có lợi cho BMW và Mercedes-Benz – hai hãng có nhà máy lớn tại Mỹ, sản xuất chủ yếu dòng thể thao đa dụng (SUV) và dành phần lớn sản lượng cho xuất khẩu.
Hai nguồn tin cho biết Mỹ cũng đề xuất giảm thuế cho các hãng xe cam kết tăng đầu tư vào đất nước “cờ hoa”. Đây có thể là hướng đi có lợi cho Volkswagen – hãng đang xem xét xây dựng nhà máy cho thương hiệu Audi tại Mỹ nhưng hiện chưa xuất khẩu nhiều từ thị trường này.
Tuy nhiên, EU đang phải cân bằng giữa yêu cầu từ các nhà sản xuất như BMW, Porsche, Volkswagen và Mercedes-Benz, với mục tiêu của chính quyền Tổng thống Trump là thúc đẩy sản xuất và tạo việc làm tại Mỹ.
Theo số liệu thống kê của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA), thương mại hàng hóa và dịch vụ với EU chiếm khoảng 4,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ vào năm 2024. Như vậy, thương mại với châu Âu thậm chí còn chiếm một phần lớn hơn trong nền kinh tế Mỹ so với thương mại với Trung Quốc.
Dược phẩm là sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của EU sang Mỹ, đạt 127 tỷ USD vào năm 2024. Châu Âu là xuất phát điểm của những tên tuổi lớn trong ngành dược phẩm như Bayer và Sanofi. Các mặt hàng nhập khẩu hàng đầu khác từ châu Âu vào Mỹ là ô tô (45,2 tỷ USD) và nhiều loại máy móc khác nhau. Mỹ cũng đã mua 5,4 tỷ USD rượu vang và 4,4 tỷ USD nước hoa từ EU trong năm 2024.
EU là khách hàng lớn mua dầu thô, khí đốt, ô tô, máy bay của Mỹ, cũng như những sản phẩm liên quan đến máu như huyết tương. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu máy bay và phụ tùng máy bay của Mỹ sang EU đạt 32,3 tỷ USD, trong khi xuất khẩu ô tô của nước này sang EU đạt 12,4 tỷ USD. Một lượng lớn ô tô xuất khẩu từ châu Âu sang Mỹ là của các tập đoàn ô tô hàng đầu châu Âu như BMW và Mercedes.
Theo BEA, Mỹ có thâm hụt thương mại hàng hóa 236 tỷ USD với EU trong năm 2024, nhưng nếu tính cả thương mại dịch vụ, mức thâm hụt thương mại chung của Mỹ với EU giảm xuống còn 161 tỷ USD. Mỹ đã xuất khẩu khoảng 277 tỷ USD dịch vụ sang EU và nhập khẩu 201 tỷ USD dịch vụ từ EU trong năm 2024.