Trên tài khoản mạng xã hội Twitter, bà Andreeva dẫn lời Chủ tịch EC Juncker nêu rõ mặc dù phản đối việc Bán đảo Crimea sáp nhập trở lại vào Nga, song ông cho rằng "không thể đối xử thù địch với Nga". Theo ông Juncker, không thể có được cấu trúc an ninh mà không có Nga, do đó EC đang xây dựng mối quan hệ mới với Moskva và "muốn dẫn dắt hai bên xích lại gần nhau để sống trong hòa bình".
Hồi tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev từng khẳng định EU vẫn là đối tác kinh tế và thương mại quan trọng đối với Nga và không có trở ngại khách quan nào trong việc phát triển quan hệ song phương bất chấp Mỹ ngăn cản. Theo ông Medvelev, Nga và EU có rất nhiều mối quan hệ lịch sử, văn hóa, kinh tế và địa lý mà chỉ có một con đường cho cả hai, đó là hợp tác.
EU và Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga kể từ tháng 3/2014 sau khi Nga sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea. Ngược lại, Nga cũng áp dụng các biện pháp trừng phạt đáp trả đối với EU. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định dù đang thực hiện một số biện pháp trừng phạt lẫn nhau song quan hệ giữa Nga và EU vẫn có những cơ hội và "khoảng trống" để hai bên có thể có sự hợp tác nhất định trong lĩnh vực kinh tế, xã hội.