Thỏa thuận đạt được không hề dễ dàng sau khi các quan chức cấp cao Ủy ban châu Âu (EC) trong đêm 14/6 đã phải thảo luận với các nước thành viên về thỏa thuận này.
Tín hiệu lạc quan xuất hiện khi phát biểu họp báo trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU-Mỹ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói: “Tôi lạc quan rằng về việc đạt được một thỏa thuận liên quan tới vấn đề Airbus-Boeing trong cuộc thảo luận với những người bạn Mỹ của chúng ta". Thỏa thuận được công bố ngay sau đó ít giờ.
Trang mạng Bloomberg đánh giá thỏa thuận lịch sử nói trên đã khép lại một trong những trang xung đột gay gắt nhất trong cuộc chiến thương mại mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động trước đây, đồng thời mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới giữa hai bờ Đại Tây Dương xoay quanh vấn đề nhà nước bảo trợ các tập đoàn lớn. Điều này càng có ý nghĩa ở thời điểm Trung Quốc đang nỗ lực cạnh tranh để phá vỡ thế độc quyền của Boeing-Airbus trong ngành chế tạo máy bay dân dụng.
Theo thỏa thuận giữa Airbus-Boeing, mọi máy bay chở khách được chế tạo trong tương lai sẽ không được phép nhận trợ cấp từ chính phủ. Bên cạnh đó, hai đồng minh này còn cam kết chất dứt một tranh chấp khác liên quan tới mặt hàng nhôm thép nhập khẩu.
Cuộc chiến dai dẳng
“Chiến sự” bùng phát từ năm 2004 sau khi Mỹ đệ đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) kiện EU về việc các nước thành viên khối này bảo trợ tập đoàn Airbus sản xuất các máy bay thương mại. Ngay lập tức, EU cũng “phản pháo” bằng đơn kiện nhằm vào tập đoàn sản xuất máy bay lớn nhất của Mỹ là Boeing, với cáo buộc Boeing nhận trợ cấp của Chính phủ Mỹ cũng như các hợp đồng quân sự và không gian.
Năm 2019, WTO đã “bật đèn xanh” cho Mỹ áp thuế suất hàng năm trị giá tới 7,5 tỷ USD đối với các mặt hàng xuất khẩu của EU liên quan tới việc chính phủ các nước bảo trợ cho Airbus. Về phần mình, EU cũng được phép đáp trả và áp thuế suất 4 tỷ USD nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Tranh cãi giữa hai đồng minh bên bờ Đại Tây Dương leo thang lên một mức mới dưới thời cựu Tổng thống Trump. Washington đã mở rộng danh mục mặt hàng áp thuế trừng phạt ra ngoài thành phần là các linh kiện máy bay, như xe tải, pho-mát. Các khoản thuế bổ sung này chỉ dừng lại hồi tháng 3 vừa qua khi các chuyên gia đàm phán của hai bên nỗ lực đạt được thỏa thuận.
Tín hiệu cho kỷ nguyên hợp tác mới giữa hai bờ Đại Tây Dương
Theo CNN, việc EU và Mỹ đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc tranh cãi, áp thuế “ăn miếng chả miếng” suốt 17 năm qua là tín hiệu tích cực cho quan hệ hợp tác song phương dưới thời Tổng thống Joe Biden. Ngay sau khi thông tin được công bố, cổ phiếu của tập đoàn Airbus đã tăng 1,4% tại sàn giao dịch Paris. Trong khi đó, cổ phiếu của Boeing chưa biến động nhiều.
Thỏa thuận đạt được ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo của EU và Mỹ tại Brussels (Bỉ), với đại diện của EU gồm Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Đây là hội nghị thượng đỉnh EU-Mỹ đầu tiên kể từ năm 2014 và là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Mỹ tới các tổ chức của EU kể từ năm 2017. Hội nghị là cơ hội để làm mới quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương và thiết lập một chương trình nghị sự chung vì sự hợp tác giữa EU và Mỹ trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19.
Các cuộc thảo luận sẽ xoay quanh 4 trụ cột chính: chống lại đại dịch COVID-19 và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu bền vững, đối phó với tình trạng Trái đất nóng lên và thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư và công nghệ xuyên Đại Tây Dương, cũng như giải quyết các thách thức an ninh và chính sách đối ngoại toàn cầu và khu vực, tăng cường dân chủ và các quy tắc dựa trên trật tự đa phương.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo dự kiến thông qua một tuyên bố chung trong đó công bố mối quan hệ đối tác trên phạm vi rộng về công nghệ và thương mại, với việc thành lập "Hội đồng Công nghệ và Thương mại EU-Mỹ".