Các quan chức trên đã ký một tuyên bố chung, trong đó nêu rõ các nỗ lực quốc tế phải bao gồm việc rút tất cả các lực lượng nước ngoài và các thiết bị quân sự vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc (LHQ) ra khỏi tất cả các khu vực của Libya. Tuyên bố kêu gọi các bên tại Libya "cam kết tham gia trên tinh thần xây dựng vào cuộc đối thoại nội bộ Libya do LHQ chủ trì nhằm mở đường cho một thỏa thuận chính trị toàn diện, phù hợp với các nội dung đã được nhất trí ở Berlin". Các Bộ trưởng của châu Âu cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải "cam kết mang tính xây dựng đối với các cuộc đàm phán 5+5" liên quan một ủy ban quân sự chung nhằm làm trung gian hòa giải đã được công bố ở Cairo (Ai Cập) đầu tháng này.
Trước đó, tại hội nghị ở Berlin ngày 19/1, các nước chính can dự vào cuộc xung đột ở Libya đã nhất trí tôn trọng một lệnh cấm vận vũ khí và ngừng can dự vào công việc nội bộ Libya.
Cùng ngày 9/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc điện đàm về tình hình Libya. Tại cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo bày tỏ lo ngại về sự leo thang thù địch tại Libya, nhấn mạnh sự cần thiết của thỏa thuận ngừng bắn và khởi động các cuộc đối thoại nội bộ Libya dưới sự chủ trì của LHQ.
Hiện ở Libya tồn tại hai chính quyền với lực lượng vũ trang riêng. Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) hoạt động ở thủ đô Tripoli được LHQ công nhận và được các nhóm vũ trang hậu thuẫn, trong khi lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) trung thành với Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông. Bạo lực gia tăng kể từ tháng 4/2019 khi Tướng Haftar bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ GNA.
Tướng Haftar ủng hộ lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 8/6, trong khi các lực lượng trung thành với GNA tuyên bố mục đích giành lại Sirte, quê hương của cố lãnh đạo Moamer Kadhafi.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, các nguồn tin an ninh cho biết ngày 9/6 lực lượng Libya đã tiến hành không kích và pháo kích nhằm chặn bước tiến của GNA về Sirte. Trong khi đó, chỉ huy lực lượng của GNA, Tướng Ibrahim Baytalmal cho biết các lực lượng GNA chỉ còn cách Sirte vài km và khả năng giải phóng thành phố này chỉ là vấn đề thời gian. Trước đó, các lực lượng GNA đã giành lại kiểm soát toàn bộ vùng Tây Bắc Libya kể từ cuối tuần qua.