Hôm 7/8, ông Borrell đã thúc đẩy dự thảo văn bản cuối cùng nhằm khôi phục JCPOA. Tuy nhiên đến ngày 1/9, Mỹ đã khẳng định rằng những đề xuất thay đổi mới nhất của Iran đối với dự thảo văn bản là "không mang tính xây dựng". Trong khi đó, Iran ngày 5/9 cũng phàn nàn rằng nước này vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ Mỹ.
Phát biểu tại cuộc họp báo tại Brussels (Bỉ), ông Borrell cho biết ban đầu dự thảo văn bản "rất cân bằng" và "dễ tiếp cận", khiến các bên có thể dễ dàng tiến tới một lập trường chung. "Tuy nhiên, những trao đổi mới nhất lại không tập trung và đang khác biệt nhau… Điều này là rất đáng quan ngại nếu như tiến trình đàm phán không đi đúng hướng, có thể khiến toàn bộ tiến trình đàm phán đi vào nguy hiểm… Vì thế tôi phải nói rằng câu trả lời mới nhất mà tôi nhận được, nếu như mục đích là nhằm sớm ký kết thỏa thuận, thì dường như không giúp ích gì cho việc này… Và công việc tiếp theo của tôi là duy trì tham vấn với các bên khác tham gia JCPOA và tiếp xúc riêng với phía Mỹ… Nhưng tôi rất tiếc khi nói rằng hôm nay tôi kém lạc quan hơn so với 28 giờ trước đối với sự tập trung của tiến trình đàm phán cũng như triển vọng của việc ký kết thỏa thuận vào thời điểm này".
Các cuộc đàm phán nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 bắt đầu vào tháng 4/2021 tại thủ đô Vienna của Áo, nhưng đã bị đình chỉ vào tháng 3/2022 do những bất đồng chính trị giữa Tehran và Washington. Vòng đàm phán hạt nhân mới nhất được tổ chức tại Vienna vào ngày 4/8 sau 5 tháng gián đoạn. Ngày 8/8, EU đã đưa ra bản dự thảo "văn bản cuối cùng" về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Bản dự thảo này xác định các bước mà Iran và Mỹ sẽ phải thực hiện để quay trở lại việc tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân.