EU họp bàn về dự thảo ngân sách 2014 - 2020

Ngày 29/7, các bộ trưởng Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu những nỗ lực nhằm thống nhất về một dự thảo ngân sách giai đoạn 2014-2020. Cuộc thảo luận 2 ngày do Ba Lan, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU triệu tập, sẽ mở đường cho hội nghị thượng đỉnh của khối tổ chức vào tháng 10 tới tại Brúcxen (Bỉ).

Hồi cuối tháng 6 vừa qua, Uỷ ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, đã đề xuất một dự thảo ngân sách trị giá 1,025 nghìn tỉ ơrô (1,48 nghìn tỉ USD) giai đoạn 2014 - 2020, tăng 5% so với ngân sách của giai đoạn trước, nâng khoản chi tiêu của khối lên 1,083 nghìn tỉ euro (1.570 tỉ USD). Tuy nhiên, kế hoạch này ngay lập tức đã bị chỉ trích. Hai trong số ba "cường quốc" của khối là Anh và Đức đã phản đối mạnh mẽ, cho rằng đề xuất ngân sách này là "hoàn toàn phi thực tế" và các loại thuế mới của EU sẽ tạo thêm gánh nặng cho hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng tiêu cực tới tính cạnh tranh của EU. Đề xuất ngân sách này cũng vấp phải sự phản đối của một số quốc gia thành viên khác do các nước này gặp khó khăn về tài chính và buộc phải thực hiện các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” để đổi lấy các gói cứu trợ khẩn cấp. Trong bối cảnh đó, bất cứ nỗ lực tăng thuế nào của EU cũng sẽ bị phản đối và đề xuất đánh thuế giao dịch tài chính sẽ không nhận được nhiều sự đồng tình.

Tuy nhiên, Uỷ viên phụ trách ngân sách của EU Janusz Lewandowski, người Ba Lan, đã bảo vệ lập trường của EU. Ông cho rằng các nước thành viên phải coi đề xuất này là một đề xuất thực tế và một điểm khởi đầu tốt cho các cuộc thương lượng. Đề xuất này có thể được bổ sung, được thảo luận và được thay đổi nhưng không được huỷ. Giới phân tích nhận định cuộc thảo luận sẽ diễn ra rất gay gắt trong bối cảnh khủng hoảng nợ đang lan rộng ở châu Âu. Ba Lan và các nước cộng sản gia nhập EU từ năm 2004 hiện cũng đang bế tắc trong nỗ lực thực hiện các biện pháp khắc khổ.

Kế hoạch ngân sách của EU đã quy định rõ những ưu tiên như: giảm quỹ nông nghiệp nhằm hỗ trợ đầu tư cho cơ sở hạ tầng và làm xanh châu Âu với trọng tâm chính là thiết lập mạng lưới năng lượng, viễn thông và giao thông xuyên biên giới nhằm tạo thuận lợi cho việc hợp nhất kinh tế trong một thị trường lớn nhất thế giới. Những vấn đề đang gây tranh cãi là thuế bán và thuế giao dịch tài chính nhằm giúp EU nâng quỹ riêng của mình hơn là phụ thuộc vào tiền đóng góp của các nước thành viên. EC hy vọng khoản tiền thu được từ thuế giao dịch tài chính sẽ mang lại cho ngân sách EU khoảng 30 tỷ euro/năm.

TTXVN/Tin Tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN