Phát biểu với báo giới ngày 6/11, quan chức cấp cao phụ trách chính sách mở rộng EU, Maciej Popowski, cho biết Brussels dự định dành khoản chi 50 triệu euro (tương đương 55 triệu USD) cho công tác hỗ trợ Ankara này. Một phần trong khoản tiền này sẽ giúp “cải thiện năng lực của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ để triển khai các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ”. Phần còn lại sẽ được sử dụng để cải thiện các điều kiện sinh hoạt tại những trung tâm tạm giữ người di cư và hỗ trợ những người được phép ở lại hòa nhập tốt hơn vào xã hội Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo ông Popowski, khoản hỗ trợ tài chính trên sẽ được trích ra từ một nguồn ngân sách phục vụ công tác chuẩn bị cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU và từ một quỹ “hòa bình và ổn định” riêng rẽ. Tuy nhiên, quan chức châu Âu cũng lưu ý rằng chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria “đang khiến mọi việc thậm chí trở nên phức tạp hơn” vì EU không muốn can dự vào bất cứ nỗ lực nào nhằm đưa những người tị nạn vào trong khu vực và Brussels từ chối hỗ trợ tài chính cho mọi hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.
EU giúp Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường lực lượng bảo vệ bờ biển trong bối cảnh nhà chức trách Hy Lạp đang chật vật đối phó với tình trạng gia tăng mạnh số người di cư trên đảo Lesbos và một số hòn đảo khác thuộc vùng biển Aegean gần Thổ Nhĩ Kỳ trong những tháng mùa Hè vừa qua. Trong khi đó, các trại tị nạn do EU tài trợ trên các đảo này cũng đang đối mặt với tình trạng quá tải nghiêm trọng, điều kiện sống tồi tệ và mất an ninh trật tự.
Sau khi hơn 1 triệu người di cư, chủ yếu từ Trung Đông và Bắc Phi, "đổ bộ" vào châu Âu năm 2015, EU đã nhất trí với khoản chi 6 tỷ euro (6,7 tỷ USD) hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn dòng người nhập cư này, không cho phép họ từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Hy Lạp bằng đường biển để tìm đường vào các nước châu Âu khác. Với các biện pháp ngăn chặn của hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, số người di cư vào châu Âu qua ngả này đã giảm đáng kể.