Rác thải nhựa tại nhà máy xử lý rác thải ở Berlin, Đức. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN |
Theo đề xuất, các sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút, đĩa, thìa, đũa... phải được làm bằng các vật liệu cứng bền vững. Ngoài ra, các thành viên EU cũng phải giảm việc sử dụng các đồ chứa thực phẩm hoặc chứa đồ uống được làm từ nhựa, dùng các giải pháp thay thế khi bán hàng hoặc đảm bảo rằng người mua phải trả tiền khi sử dụng các vật này.
Các nhà sản xuất cũng phải đóng một khoản phí quản lý rác thải và sẽ được khuyến khích dùng các giải pháp thay thế ít ô nhiễm hơn. Bên cạnh đó, họ cũng phải dán nhãn sản phẩm và thông tin tới người tiêu dùng về việc rác thải sẽ được xử lý như thế nào.
Theo kế hoạch trên, vào năm 2025, các nước thành viên phải thu gom 90% các chai lọ dùng một lần. Đề xuất này sẽ cần được 28 thành viên EU và Nghị viện châu Âu phê chuẩn trước khi có hiệu lực.
EU đưa ra gói đề xuất trên trong nỗ lực chấm dứt tình trạng thải ra môi trường các sản phẩm bằng nhựa, vốn đang ngày càng gia tăng trong chuỗi dây chuyền thực phẩm. Tuy nhiên, đề xuất trên không nêu rõ giới hạn về thời gian.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans cho biết: "Thải đồ nhựa ra môi trường rõ ràng là vấn đề lớn và người dân châu Âu cần cùng nhau hành động để giải quyết vấn đề này".
Theo ông Timmermans, các biện pháp trong gói đề xuất nói trên sẽ giúp giảm các loại đồ nhựa dùng một lần được bày bán trên các sạp hàng ở siêu thị. Các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ gói quy định trên tại thị trường EU gồm khoảng 500 triệu người, cũng như nhờ sự "bùng nổ" của thị trường sản phẩm bền vững trên toàn cầu.
Trước gói đề xuất trên, EU đã đưa ra một đề xuất khác đưa ra hồi tháng 1/2018, theo đó vào năm 2030, toàn bộ các loại bao bì bằng nhựa tại châu Âu sẽ phải chuyển thành loại có thể tái sinh, sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu các sản phẩm rác thải nước ngoài để tái chế. EU đang xuất khẩu một nửa số rác thải nhựa thu gom được, 85% trong đó xuất sang Trung Quốc.