Phát biểu ngày 20/3 tại Brussels (Bỉ) ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) về cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định tại sự kiện này, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ chưa vội thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga.
Tổng thống Hollande khẳng định lãnh đạo các nước sẽ thảo luận mở rộng các lệnh trừng phạt đối với các cá nhân mà châu Âu cho là có liên quan trực tiếp tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Ngoài ra, EU cũng sẽ xem xét khả năng trừng phạt kinh tế, nhưng thông qua một lệnh trừng phạt tại hội nghị sắp diễn ra này hiện là "quá sớm". Theo nhà lãnh đạo Pháp, EU cần thể hiện sự cứng rắn nhưng cũng phải sẵn sàng cho các các cuộc thỏa thuận, tiến hành thương lượng để giảm căng thẳng.
Nếu tình hình được cải thiện thì các biện pháp trừng phạt kinh tế là không cần thiết. Tuy nhiên, Tổng thống Hollande để ngỏ khả năng trừng phạt kinh tế nếu xuất hiện những nguy cơ mới hoặc hành động mang tính chất quân sự tại Ukraine.
Đề cập tới hội nghị thượng đỉnh Nga-Liên minh châu Âu (EU) dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới, Tổng thống Hollande cho biết các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ hủy bỏ sự kiện này.
Tổng thống Pháp Francois Hollande trong cuộc họp báo trước hội nghị tại Brussels, ngày 20/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, tại một cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình liên quan tới Ukraine và Nga. Ông đang có chuyến thăm tới Nga và Ukraine nhằm khuyến khích các bên liên quan tìm kiếm một giải pháp hòa bình.
Cùng ngày, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov cho biết Nga sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự tại bán đảo Crimea (Crưm) để phòng vệ trước các mối đe dọa từ bên ngoài.
Theo ông Borisov, việc phát triển cơ sở hạ tầng quân sự tại bán đảo Crimea sẽ là vô cùng cần thiết để vùng lãnh thổ này trở thành một khu vực được coi trọng của LB Nga và được bảo vệ trước mọi sự xâm chiếm tiềm tàng.
Trong một động thái khác, Đại sứ Ukraine tại LHQ Yuri Klymenko cho biết Ukraine sẽ không phát động một cuộc chiến thương mại với Nga và hy vọng Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ đứng ra giải quyết tranh chấp thương mại giữa hai nước (nếu có). Ông Klymenko nhấn mạnh tới việc Ukraine mong muốn có quan hệ thương mại bình thường với Nga.
TTXVN/Tin tức