EMA giám sát nghiên cứu, lưu hành vaccine ngừa COVID-19

Ngày 27/5, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) thông báo cơ quan này đã được ủy quyền tiến hành "một nghiên cứu độc lập" nhằm giám sát các vaccine tiềm năng phòng ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trước và sau khi những vaccine này được đưa ra lưu hành trên thị trường châu Âu.   

Chú thích ảnh
Vaccine phòng chống dịch COVID-19 được nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của Novavax ở Rockville, Maryland, Mỹ, ngày 20/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuyên bố của EMA nêu rõ trọng tâm của nghiên cứu trên tập trung vào tính an toàn và hiệu quả của vaccine mà các nhà khoa học đang chạy đua với thời gian để sớm điều chế ra nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19, dịch bệnh cho đến nay đã khiến hơn 350.000 người tử vong trong tổng cộng hơn 5,7 triệu ca mắc bệnh.

EMA cho biết thêm để có thể cấp phép lưu hành bất kỳ vaccine phòng COVID-19 nào, cơ quan có trụ sở tại Amsterdam (Hà Lan) này sẽ cần thu thập đủ bằng chứng từ các cuộc thử nghiệm lâm sàng chứng minh tính an toàn, hiệu quả và chất lượng của vaccine đó. EMA sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ các vaccine được phê chuẩn ngay khi những vaccine này có mặt trên thị trường. 

Cơ quan trên mới đây cũng đã ký hợp đồng với Đại học Utrecht (Hà Lan) để tiến hành nghiên cứu bước đầu, trong đó có các phương pháp có thể được áp dụng để giám sát việc sử dụng một loại vaccine.   

Các nhà nghiên cứu sẽ có trách nhiệm cung cấp thông tin bổ sung từ hoạt động thực hành lâm sàng trước khi cấp phép cho các vaccine thông qua các cuộc thử nghiệm lâm sàng, cũng như giai đoạn "hậu cấp phép". EMA dự kiến vào tháng 8 tới sẽ thu được các kết quả nghiên cứu đầu tiên, trong khi các kết quả sau cùng dự kiến sẽ có vào cuối năm nay.

* Trong diễn biến cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất vay 7,7 tỷ euro (8,49 tỷ USD) trên các thị trường tài chính nhằm gây quỹ bổ sung chi cho công tác nghiên cứu và điều chế vaccine, thuốc cũng như các phương pháp điều trị COVID-19 trong 4 năm tới, đồng thời nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của châu Âu vào các nguồn cung từ nước ngoài.

Tài liệu công bố ngày 27/5 nhấn mạnh: "Liên minh châu Âu (EU) nên nỗ lực tăng cường khả năng tự lực chiến lược bằng cách giảm bớt sự phụ thuộc nhập khẩu quá nhiều đối với các mặt hàng thiết yếu nhất như thiết bị y tế và dược phẩm". Theo đề xuất, EC sẽ sử dụng ngân sách dài hạn 1.100 tỷ euro (1.210 tỷ USD) của EU như một khoản đảm bảo để vay 750 tỷ euro (hơn 824 tỷ USD). 7,7 tỷ euro trong số 750 tỷ euro này sẽ được chi cho lĩnh vực y tế, trong đó sẽ dành một phần để khuyến khích ngành dược phẩm chuyển hoạt động sản xuất vaccine và các loại thuốc quan trọng sang EU.

EC cho biết thêm mục đích của gói vay tổng thể nói trên là nhằm đảm bảo các nguồn cung chiến lực về dược phẩm, trang thiết bị y tế, giúp phát triển và sản xuất vaccine tại EU, cũng như tăng khả năng sẵn sàng và khả năng phòng ngừa của khối này trước các cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai.

Đề xuất mới nhất của EC sẽ bổ sung thêm vào quỹ khẩn cấp trị giá 2,6 tỷ USD dự kiến được triển khai tới cuối năm 2024 nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt vật tư y tế tại EU - vấn đề nổi cộm kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19. Đề xuất này cần nhận được sự phê chuẩn của các chính phủ và các nhà lập pháp tại các nước thành viên EU.

Minh Tâm (TTXVN)
WIPO ủng hộ việc cung cấp vaccine phòng chống COVID-19 cho toàn thế giới
WIPO ủng hộ việc cung cấp vaccine phòng chống COVID-19 cho toàn thế giới

Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) của Liên hợp quốc ngày 27/5 đã hoan nghênh các nỗ lực phát triển vaccine phòng chống dịch COVID-19 và cung cấp cho toàn thế giới, nhưng cảnh báo chính vấn đề bản quyền đang gây cản trở cho quá trình này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN