Duy trì động lực triển khai DOC và bắt đầu xác định COC

Triển khai chuỗi hoạt động chuẩn bị quan trọng cuối cùng cho Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 19 và các hội nghị liên quan, sáng 15/11, tại Bali (Inđônêxia), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) đã khai mạc trọng thể. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (thứ 5, bên trái) chụp ảnh chung với Ngoại trưởng các quốc gia thành viên ASEAN tại AMM ngày 15/11. Ảnh: AFP/ TTXVN

Các nội dung nghị sự được AMM xem xét, đệ trình lãnh đạo cấp cao, bao gồm hàng loạt chủ đề, vấn đề liên quan đến xây dựng Cộng đồng ASEAN trên ba trụ cột, Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng toàn cầu của các quốc gia và các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm như thúc đẩy đàm phán Hiệp ước khu vực phi vũ khí hạt nhân Đông Nam Á (SEANWFZ), triển khai Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN, Diễn đàn Hàng hải ASEAN, vấn đề hợp tác hàng hải và triển khai Tuyên bố của các bên về quy tắc ứng xử trên Biển Đông, tình hình triển khai những mục tiêu về xây dựng cộng đồng ASEAN trong năm 2011, kết nối ASEAN, chính sách một thị thực ASEAN, quan hệ giữa ASEAN với các đối tác đối thoại.

Tại hội nghị, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã trao đổi nhiều ý kiến về vấn đề Biển Đông. Nhìn chung, trong khi chưa đề cập cụ thể về dự thảo Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), các nước đều nhìn nhận sự cần thiết phải duy trì động lực triển khai Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) theo những qui tắc hướng dẫn đã nhất trí, trong đó có triển khai các dự án hợp tác đồng thời với bắt đầu xác định những yếu tố cơ bản ban đầu của COC.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Ngoại giao Inđônêxia Marty Natalegawa cho biết, các qui tắc hướng dẫn thực thi DOC mà ASEAN và Trung Quốc đạt được tháng 7/2011 đã và đang giúp các bên liên quan tháo gỡ dần những vướng mắc, không cần phải đợi hoàn tất triển khai DOC trước khi bắt đầu tiến trình xây dựng COC. Tiến trình đó hiện đang ở “bên sân” ASEAN và Trung Quốc cần tham gia nỗ lực chung này “trong những điều kiện và thời điểm phù hợp”.

Đề cập đề xuất của Philíppin về một “Khu vực hòa bình, tự do, hữu nghị và hợp tác” trên Biển Đông, do Thứ trưởng Ngoại giao nước này Erlinda Basilo trình bày, Bộ trưởng Ngoại giao Inđônêxia cho hay các nước ASEAN “ghi nhận đề xuất này”. Vấn đề là cách thức đảm bảo đề xuất đó phù hợp với tinh thần DOC.

lNgày 15/11, nhân dịp tham dự AMM, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Malaixia và Bộ trưởng Ngoại giao Mianma.

Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Malaixia Anifan Aman, hai bộ trưởng đánh giá cao những bước tiến quan trọng gần đây trong quan hệ song phương, nhất là chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Malaixia tháng 9/2011 đã tạo động lực mới cho quan hệ giữa hai nước. Hai bộ trưởng cũng đã thảo luận về các biện pháp tăng cường quan hệ song phương giữa Việt Nam và Malaixia, nhất là các biện pháp nhằm thúc đẩy những thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như việc tiến tới ký kết một số hiệp định, thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực cụ thể, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Malaixia lên 10 tỉ USD như đề xuất của Thủ tướng Malaixia.

Về tình hình trên Biển Đông, hai bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), thực hiện đầy đủ DOC. Hai bộ trưởng thỏa thuận tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc ở các cấp, tăng cường trao đổi quan điểm giữa Bộ Ngoại giao hai nước về các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.

Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Mianma, Wunna Maung Lwin, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã hoan nghênh những kết quả tích cực của chính sách hòa hợp dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội và trong chính sách đối ngoại của Mianma. Bộ trưởng nhấn mạnh chủ trương nhất quán của Việt Nam là coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác trên nhiều lĩnh vực với Mianma, ủng hộ Mianma đăng cai chức Chủ tịch ASEAN năm 2014 và hoan nghênh đồng thuận của ASEAN trong vấn đề này. Bộ trưởng cũng đề nghị Mianma tiếp tục tạo các điều kiện thuận lợi và tích cực hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại nước này và đề nghị một số biện pháp nhằm củng cố và tăng cường hợp tác song phương.

Bộ trưởng Ngoại giao Maung Lwin khẳng định tầm quan trọng của quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống và đánh giá cao sự hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua, nhất trí hai nước trao đổi và tiến tới ký kết một số thỏa thuận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa trên nhiều lĩnh vực, tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Hai bộ trưởng cũng trao đổi một số vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, trong đó có việc đảm bảo phát triển bền vững sông Mêcông nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và bảo vệ môi trường thiên nhiên của các nước dọc con sông này.

Anh Ngọc (P/v TTXVN tại Inđônêxia)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN