Trong tuyên bố trên mạng xã hội X, RSF khẳng định rằng lực lượng này đã chiếm giữ một trụ sở quân đội và cây cầu nối các bang Sinnar và Gedaref vào ngày 3/7.
Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), do các cuộc đụng độ, hơn 55.400 người đã chạy trốn khỏi Singa, thủ phủ của bang Sinnar. OCHA cho biết cư dân của Singa đã chuyển đến các bang Gedaref, Blue Nile, White Nile và Kassala.
Trong khi đó, Ủy ban viện trợ nhân đạo ở bang Gedaref ước tính “có tới 130.000 người dự kiến sẽ chạy trốn khỏi bang Sinnar trong những ngày tới”.
Cũng trong ngày 3/7, một tổ chức pháp lý địa phương có tên Đài quan sát Al-Sinnar đã cảnh báo về hậu quả của sự leo thang xung đột tại bang này, cho biết thêm việc mất điện và cắt nước đã tiếp diễn trong 5 ngày liên tiếp, sau khi RSF tiến vào thủ phủ Singa.
Các cuộc đụng độ đẫm máu cũng nổ ra ở bang Tây Kordofan ở phía Tây Sudan, vài ngày sau khi RSF nắm quyền kiểm soát thủ phủ của bang này là Al-Fula.
Ngày 3/7, SAF tuyên bố đã đẩy lùi cuộc tấn công của RSF vào thành phố Al Meiram ở bang Tây Kordofan.
Theo Ủy ban Kháng chiến El Fasher, tại bang Bắc Darfur, RSF đã phát động một cuộc pháo kích dữ dội vào thủ phủ El Fasher vào lúc rạng sáng 3/7. Trong một tuyên bố, ủy ban này cho biết các cuộc bắn phá nhắm vào khu vực phía Nam và phía Tây của thành phố El Fasher, các chợ gia súc và rau quả cũng như khu phố Al-Radeef, gây thương vong cho dân thường.
Trong một nỗ lực mới hướng tới giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Sudan, một hội nghị quy tụ sự tham gia của các lực lượng chính trị Sudan đã được lên kế hoạch tổ chức từ ngày 7-8/7 tại Cairo theo lời kêu gọi của chính phủ Ai Cập. Hội nghị này nhằm mục đích tập hợp các đối tác khu vực và quốc tế có liên quan để thảo luận về các giải pháp cho cuộc khủng hoảng Sudan. Ngày 3/7, đảng đối lập Umma Quốc gia và Mặt trận Cách mạng Sudan đã xác nhận tham gia hội nghị trên.
Sudan chìm trong xung đột từ tháng 4 năm ngoái khi các tướng chỉ huy quân đội và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bác bỏ kế hoạch sáp nhập và bắt đầu tranh giành quyền kiểm soát lãnh thổ. Các cuộc giao tranh liên tiếp đã khiến việc cung cấp viện trợ cho người dân các vùng chiến sự gần như bất khả thi. Nhiều kho hàng nhân đạo, cơ sở lưu trữ ngũ cốc và giếng nước đã bị phá hủy. Trong khi đó, việc đưa hàng viện trợ từ nước láng giềng Cộng hòa Chad gặp rất nhiều khó khăn.
Xung đột ở Sudan đã thúc đẩy cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất thế giới, với gần 10 triệu người phải sơ tán trong nước và 2 triệu người phải đi lánh nạn ở các nước láng giềng.