Theo RKI, với 39.676 ca nhiễm mới trong ngày 9/11, tỷ lệ lây nhiễm trên 100.000 dân trong 7 ngày đã lên mức 232,1 và đây là ngày thứ 3 liên tiếp tỷ lệ lây nhiễm vượt quá 200. Trong một ngày qua, RKI cũng ghi nhận có thêm 236 ca tử vong, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 96.963.
Trong thực tế, số ca lây nhiễm có thể còn cao hơn nhiều do nhiều ca không được phát hiện hoặc không có triệu chứng. Số bệnh nhân COVID-19 được tiếp nhận ở các bệnh viện trên 100.000 dân trong 7 ngày hiện là 4,31, tăng từ mức 3,93. Đây là chỉ số quan trọng nhất để quyết định có siết chặt các biện pháp phòng dịch hay không. Chỉ số này từng ở mức cao kỷ lục 15,5 thời điểm Giáng sinh cuối năm 2020.
Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ tư tiếp tục bùng phát mạnh, tình hình tiêm chủng có vẻ được cải thiện ở Đức khi số người đi tiêm chủng tăng trở lại. Trong ngày 9/11 có 312.422 người được tiêm chủng ở Đức, mức trong ngày cao nhất kể từ hôm 25/8. Tỷ lệ tiêm chủng trung bình trong 7 ngày đạt mức 199.000 liều, mức cao nhất kể từ cuối tháng 9 vừa qua. Trong số này, liều tiêm tăng cường chiếm số lượng lớn nhất, với 196.899 mũi. Tuy nhiên, số lượng người tiêm mũi thứ nhất cũng bắt đầu tăng nhẹ khi trong ngày 9/11 ghi nhận có trên 50.700 người tiêm mũi đầu tiên.
Cho tới nay đã có 67,3% tổng dân số Đức được tiêm đầy đủ và 3,7% được tiêm mũi tăng cường. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 25 triệu người chưa tiêm và khoảng 5 triệu người đã tiêm mũi vaccine thứ hai hoặc một mũi vaccine Johnson & Johnson cách đây ít nhất 6 tháng vẫn chưa đi tiêm mũi tăng cường, trong đó nhiều người đã cao tuổi và ốm yếu.
* Cũng trong ngày 9/11, Bộ Y tế Slovakia đã ghi nhận 7.055 ca nhiễm mới, mức theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát hồi năm ngoái. Đất nước hiện có 2.478 ca phải nhập viện vì COVID-19, trong đó 438 ca nặng.