Theo mạng tin Euractiv.de (Đức) ngày 4/1, Chính phủ Đức ủng hộ việc sử dụng các quỹ bị đóng băng của Nga - lên tới hàng tỷ euro - để giúp Ukraine tự tái thiết, với điều kiện các vấn đề pháp lý được giải quyết và hành động này được thực hiện cùng với các đồng minh khác.
Vào năm 2022, nền kinh tế Ukraine dự kiến giảm khoảng 32% sau cuộc xung đột với Nga kể từ tháng 2. Phần lớn Ukraine đang trong tình trạng đổ nát và các chính trị gia nước này từ lâu đã cho rằng nên dùng tài sản bị đóng băng của Nga để tái thiết.
Chính phủ Đức dưới thời Thủ tướng Olaf Scholz ủng hộ yêu cầu bồi thường xung đột của Ukraine nhưng vẫn chưa đưa ra quan điểm chính thức về việc tịch thu tài sản nhà nước của Nga. Berlin cho rằng vấn đề rất phức tạp và một số thành viên của liên minh cầm quyền có những quan điểm khác nhau.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock đang tranh luận về các biện pháp cứng rắn, gồm tịch thu ít nhất một phần tài sản bị đóng băng của Nga.
Trong khi đó, Ủy viên Tư pháp Liên minh châu Âu Didier Reynders cho biết vào cuối tháng 10/2022 rằng EU đã phong tỏa khoản tiền trị giá 17 tỷ euro của 90 công dân Nga, trong đó 2,2 tỷ euro nằm ở Đức.
Tuy nhiên, khối tài sản lớn thực sự là 300 tỷ euro dự trữ tiền tệ bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga. Ông Reynders lưu ý rằng có thể giữ 300 tỷ euro này để làm khoản đảm bảo cho đến khi Nga tự nguyện tham gia vào quá trình tái thiết Ukraine.
Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner hoài nghi về các kế hoạch như vậy. Những nguồn tin được Bloomberg trích dẫn nói rằng ông Lindner lo ngại việc tịch thu khoản dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm và dẫn đến một cuộc chiến pháp lý phức tạp.
Kể từ khi xung đột nổ ra, việc EU làm thế nào để xử lý khối tài sản bị đóng băng của Nga hầu như không có mấy tiến triển. Các quốc gia có quan điểm cứng rắn ở Đông Âu và vùng Baltic từ lâu đã kêu gọi các đối tác sử dụng tài sản bị đóng băng. Cuộc tranh luận đang diễn ra ở Berlin có thể là một "cú huých" cho vấn đề đàm phán bị đình trệ này.