Phiên họp của Quốc hội Đức ngày 30/6. Ảnh: EPA/TTXVN |
Bước đi này của Berlin được đánh giá là một trong những biện pháp mạnh tay nhất thế giới trong cuộc chiến chống thông điệp thù địch trên mạng Internet.
Theo luật pháp Đức, các phát ngôn bài Do Thái, cổ xúy thù ghét và nạn phân biệt đều bị coi là phạm pháp. Điều luật mới yêu cầu các công ty như Twitter và Facebook sẽ phải đối mặt với án phạt nếu không xóa bỏ các phát ngôn được xếp vào hàng vi phạm luật pháp Đức trong vòng 24 giờ tính từ khi nhận được tố cáo từ phía người dùng. Đối với những thông điệp mang tính xúc phạm nhưng khó để phân loại rõ ràng, điều luật quy định các công ty có 7 ngày để gỡ bỏ sau khi nhận được tố cáo và tiến hành đánh giá những thông tin này. Chính phủ Đức nhấn mạnh mức phạt này áp dụng cho các công ty truyền thông xã hội chứ không đánh vào các cá nhân. Điều luật mới cũng bao gồm các nội dung phi pháp khác như sản phẩm khiêu dâm trẻ em và liên quan đến khủng bố.
Giới chuyên gia mạng cảnh báo quyết định của Chính phủ Đức sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quyền tự do ngôn luận trên mạng Internet cũng như trao cho các mạng xã hội quyền lực quá lớn khi được phép quyết định nội dung nào có thể được công bố trước công chúng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas nhấn mạnh "tự do ngôn luận cần phải ngừng lại khi chạm đến ngưỡng vi phạm pháp luật". Tuyên bố của quan chức này nêu rõ những thông điệp mang tính xúc phạm, đe dọa hay cổ xúy tâm lý thù địch là một sự tấn công vào quyền tự do ngôn luận, được đưa ra để đe dọa và chặn đi tiếng nói của những người khác.
Điều luật mới được thông qua trong bối cảnh nước Đức đang phải đối mặt với sự xuất hiện ồ ạt của các thông điệp thù ghét và phân biệt trên mạng Internet, đặc biệt sau khi nước Đức đón 1 triệu người nhập cư tìm kiếm quy chế cư trú hồi năm 2015. Cũng trong năm này, các công ty truyền thông xã hội đã cam kết sẽ sàng lọc và xóa bỏ trong vòng 24 giờ các bình luận thù ghét trên mạng. Tuy nhiên, một báo cáo của Chính phủ Đức hồi tháng 4 cho thấy các hãng chưa mạnh tay trên mặt trận này. Cụ thể, Twitter chỉ gỡ bỏ được 1% trong tổng số nội dung được người dùng báo cáo là vi phạm luật pháp Đức, trong khi Facebook xóa bỏ 39%. Trang chia sẻ video trực tuyến YouTube của Google cho thấy hiệu quả hơn với 90%.