Tuyên bố chung của Ngoại trưởng 3 nước nói trên và Đại diện Cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini nêu rõ Iran phải có các hành động phù hợp, đảo ngược các hoạt động vi phạm và trở lại tuân thủ JCPOA một cách đầy đủ và ngay lập tức. Giới chức châu Âu cho rằng cần phải triệu tập khẩn cấp một cuộc họp của Ủy ban Hỗn hợp giám sát JCPOA - bao gồm các bên ký kết JCPOA còn lại (Nga và Trung Quốc) sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hồi tháng 5/2018.
Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết chiều 9/7, ông Emmanuel Bonne - cố vấn ngoại giao cấp cao của Tổng thống Pháp tới thủ đô Tehran và dự kiến sẽ có các cuộc làm việc với giới chức Iran một ngày sau đó nhằm tìm giải pháp phù hợp cho những căng thẳng đang tiếp tục xu hướng leo thang trong vấn đề hạt nhân hiện nay. Iran xác nhận cấp độ làm giàu urani đã trên mức 4,5%, vượt mức cho phép 3,67% trong JCPOA, và điều này khiến các nước châu Âu - những nước đang cố cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử, không khỏi quan ngại.
Nhận định về động thái gần đây của Iran, giới chuyên gia cho rằng Tehran muốn gửi tới các nước châu Âu (ngoài Nga) tham gia JCPOA thông điệp rằng tất cả các bên cần cùng nhau tuân thủ các cam kết và chống lại những biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Thỏa thuận hạt nhân JCPOA mà Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) hồi năm 2015 đã giúp hóa giải cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran kéo dài hàng chục năm ở "điểm nóng" Trung Đông. Theo đó, để đổi lấy việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc và các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ và EU, Iran cam kết làm giàu urani ở tỷ lệ tối đa 3,67% - một tỷ lệ vừa đủ để sản xuất năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, và số lượng urani làm giàu ở tỷ lệ thấp này cũng chỉ được tối đa 300 kg. Ngoài ra, Tehran cũng cam kết không xây dựng thêm các lò phản ứng nước nặng, không tích lũy nước nặng và không phát triển thiết bị nổ hạt nhân.
JCPOA đứng trước nguy cơ đổ vỡ sau khi khi hồi tháng 5/2018, trong quá trình xem xét toàn bộ chính sách dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế chống Iran trong lĩnh vực xuất khẩu dầu. Chính quyền Washington cho rằng cần phải đàm phán lại các điều khoản của JCPOA. Tuy nhiên, các cường quốc khác ký kết thỏa thuận này cho tới nay vẫn bảo lưu quan điểm rằng đây là một thỏa thuận công bằng, hợp lý và chấp nhận được đối với tất cả các bên. Về phần mình, Iran khẳng định không tái đàm phán JCPOA để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mới theo yêu cầu của Mỹ. Mới đây nhất, Iran đã đe dọa sẽ tái khởi động các máy ly tâm và tăng cường làm giàu urani ở cấp độ tinh khiết 20% cũng như các bước đi tiếp theo.
Trên thực tế, những động thái gần đây của Iran phản ánh rõ nước này đang mất dần kiên nhẫn trước sự "bất lực" của các nước châu Âu trong việc kiềm chế những tổn hại từ các biện pháp trừng phạt kinh tế của Washington nhằm vào Tehran hiện nay.