Phát biểu tại thủ đô Berlin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Rainer Breul nêu rõ mục tiêu của Đức vẫn là bảo vệ thỏa thuận hạt nhân, do nước này tin rằng đây là công cụ phù hợp để ngăn khả năng Iran vũ trang hạt nhân. Đức muốn tận dụng mọi khả năng trong thỏa thuận để hướng tới một giải pháp ngoại giao. Ông cũng hối thúc Tehran quay trở lại JCPOA.
JCPOA đã đối mặt với nhiều khó khăn kể từ khi Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran. Ngày 8/1 vừa qua, Tổng thống Trump cho rằng đã đến lúc các bên ký kết cần rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, Pháp tuyên bố vẫn duy trì cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định JCPOA vẫn là phương án tốt nhất hiện có.
Trong những ngày tới, các quốc gia châu Âu ký thỏa thuận sẽ phải quyết định xem liệu có nên hành động chống lại Tehran hay không, điều này có khả năng sẽ dẫn đến việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.
Ngày 5/1, Iran tuyên bố nước này sẽ tiếp tục giảm bớt các cam kết đối với JCPOA, song vẫn tiếp tục hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Tuyên bố khẳng định Tehran sẽ không tuân thủ bất kỳ giới hạn nào được đặt ra trong thỏa thuận hạt nhân về số lượng máy ly tâm để làm giàu urani mà họ có thể sử dụng, điều này đồng nghĩa sẽ không có giới hạn đối với năng lực và cấp độ làm giàu urani hoặc quá trình nghiên cứu và phát triển hạt nhân của Iran. Từ nay, những vấn đề này sẽ phụ thuộc vào nhu cầu kỹ thuật của Iran.
Đây là bước đi mới nhất của Tehran trong việc rút lại các cam kết trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân ký với Nhóm P5+1 sau khi Mỹ tiến hành không kích vào sân bay quốc tế ở thủ đô Baghdad (Iraq), khiến Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Tướng Qassem Soleimani thiệt mạng. Vụ không kích của Mỹ đã không chỉ khiến quan hệ giữa Mỹ với Iran và Iraq đặc biệt căng thẳng, mà còn khiến khu vực có nguy cơ rơi vào vòng xoáy bạo lực mới.