Trao đổi với báo giới ngày 6/9, Bộ trưởng Môi trường Đức Svenja Schulze cho biết các siêu thị và các nhà bán lẻ sẽ bị cấm cung cấp các loại túi nilon tại các quầy thu ngân, bao gồm cả những loại túi phân hủy sinh học hay được làm từ các nguyên liệu có thể tái tạo. Theo bộ trưởng, rất nhiều người dân Đức đều ủng hộ lệnh cấm này, dự kiến có hiệu lực vào nửa đầu năm sau. Các trường hợp vi phạm sẽ chịu một khoản tiền phạt lên tới 100.000 euro (tương đương 110.000 USD).
Bước đi này của Đức tiếp sau việc ngành bán lẻ đưa ra cam kết tự nguyện không phát miễn phí túi nilon vào năm 2016. Điều này đã góp phần làm giảm lượng túi nilon tại Đức từ bình quân 68 túi/người/năm xuống còn 24 túi. Con số này vượt qua cả mục tiêu của Liên minh châu Âu là 40 túi nilon/người mỗi năm vào năm 2025. Rất nhiều nhà bán lẻ đã loại bỏ túi nilon và nhiều người tiêu dùng cũng đã ý thức mang các loại túi đa năng chắc chắn khi họ đi mua sắm.
Tuy nhiên, các tổ chức môi trường cho rằng kế hoạch cấm túi nilon sắp tới chưa đủ và phạt tiền đối với tất cả túi dùng một lần. Theo họ, cần phải cấm cả các loại túi giấy, dù loại túi này có thể phân hủy nhanh hơn song lại phải tận dụng một nguồn lực và năng lượng lớn để sản xuất chúng. Ngoài ra, kế hoạch cấm này cũng không bao gồm các loại túi nilon mỏng dễ rách, thường có mặt tại các quầy hoa quả và rau.
Ô nhiễm nhựa, đặc biệt tại các con sông, kênh, lạch và đại dương, đang trở thành mối nguy hiểm nghiêm trọng về sinh thái khi nó đe dọa tới tính mạnh của các loài thủy hải sản, thủy sinh và chim muông, gây mất mỹ quan tại các bãi biển và tạo ra một lượng rác thải khổng lồ trôi nổi trên các đại dương. Các nhà khoa học đã cảnh báo khi nhựa phân hủy dần, các hạt vi nhựa sẽ thâm nhập vào các chuỗi thức ăn và đi vào trong cơ thể con người, de dọa nghiêm trọng tới sức khỏe người dân. Một nghiên cứu do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) công bố tháng 6 vừa qua cho thấy con người có thể đang "nạp" vào cơ thể 5 gr nhựa mỗi tuần, tương đương với 1 chiếc thẻ tín dụng.