Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn nguồn tin trên cho biết “Dòng chảy phương Bắc 2” đã hoàn thành hồi tháng 9/2021 và hiện đang chờ sự chấp thuận từ các cơ quan quản lý của Đức và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, một số quan chức của Đức và nước ngoài cho rằng đường ống dẫn khí đốt này sẽ bị cản trở đưa vào hoạt động do một số bất đồng chính sách với Nga.
Ông Kevin Kuehnert khẳng định: “Có thể nói, Dòng chảy phương Bắc 2 gần như đã được kết nối với toàn bộ hệ thống, chỉ còn thiếu một số thủ tục pháp lý cuối cùng trước khi bắt đầu vận hành”. Theo ông Kuehnert, dự án - do tập đoàn khí đốt quốc gia Gazprom của Nga đứng đầu, không nên bị gắn với các biện pháp đáp trả Nga liên quan đến tranh cãi về lãnh thổ giữa Nga với Ukraine cũng như một số vấn đề mà Berlin có những lập trường và chiến lược ngoại giao rõ ràng.
Mặc dù lập trường của đảng Xanh, một đối tác cấp dưới trong liên minh cầm quyền với dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” còn khác biệt, nhưng sự ủng hộ của SPD đối với đường ống dẫn khí đốt đi qua biển Baltic này tương đồng với lập trường của liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của cựu Thủ tướng Angela Merkel, người từng tuyên bố đường ống này là một dự án thương mại, do chính ông Olaf Scholz thực hiện.
“Dòng chảy phương Bắc 2” trước đó vấp phải sự phản đối của Mỹ và một số quốc gia như Ba Lan và Ukraine do cho rằng dự án sẽ khiến EU bị phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga - quốc gia vốn đã cung cấp 35% nhu cầu khí đốt của khối.
Đường ống trị giá 11 tỷ USD, do tập đoàn khí đốt Gazprom (Nga) xây dựng và một nửa chi phí do các công ty năng lượng châu Âu chi trả, cụ thể là công ty Uniper và công ty Wintershall Dea thuộc tập đoàn BASF của Đức, Tập đoàn dầu khí quốc tế Shell, tập đoàn OMV của Áo và Tập đoàn Engie của Pháp.
Giá nhiên liệu tại châu Âu đã tăng cao trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Moskva và phương Tây liên quan đến những tranh cãi kéo dài xung quanh dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”, cũng như vấn đề Ukraine.