Phát biểu trước thềm diễn ra hội nghị trực tuyến với những người đồng cấp EU, Bộ trưởng Horst Seehofer đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc tất cả các nước thành viên EU phải tiếp nhận những người nhập cư được giải cứu. Ông nêu rõ: "Chúng ta không chỉ là một liên minh kinh tế và một liên minh an ninh, mà còn là một cộng đồng cùng chung nguyên tắc. Và tôi tin rằng việc giải cứu những người di cư khỏi bị chết đuối cũng thuộc về những nguyên tắc chung của chúng ta".
Đức từ lâu đã nỗ lực thúc đẩy áp đặt một quy chế phân bổ hạn ngạch để bắt buộc 27 nước thành viên EU tiếp nhận một lượng người di cư tại các nước Italy, Hy Lạp hay Malta - điểm đến đầu tiên của những người tị nạn, song nhiều quốc gia lại từ chối tiếp và không muốn nhận bất cứ người di cư được giải cứu nào. Đầu tuần này, một tàu cứu hộ với 180 người di cư trên tàu đã được phép cập cảng Sicily của Italy sau khi bị từ chối tiến vào nước này cách đấy vài ngày. Dự kiến trong ngày 7/7, những người di cư này sẽ được phép rời khỏi con tàu trên để chuyển sang một con tàu cách ly.
Đã có nhiều người di cư chủ yếu từ các nước châu Phi được giải cứu khi đang lênh đênh trên những con thuyền đánh cá xập xệ hay xuồng cao su trên Địa Trung Hải tới châu Âu để chạy trốn khỏi xung đột, nghèo đói và dịch bệnh.
Năm 2015, EU đã thông qua chương trình phân bổ hạn ngạch người di cư với mục tiêu tái định cư cho 160.000 người tị nạn. Khi đó, Tòa án Công lý châu Âu (CJE) của EU đã yêu cầu các nước trong khối chung tay giải quyết vấn đề này trên cơ sở nhận một lượng người di cư nhất định. Trong khi các nước có tiềm lực kinh tế như Đức nhận 20%, Pháp nhận 15% thì các nước Đông Âu như Hungary, Slovakia chỉ nhận khoảng 1% đến 2%.
Dù việc phân chia này được EU thông qua theo đa số từ năm 2015, nhưng kế hoạch phân bổ trên vấp phải sự phản đối quyết liệt của các nước Trung và Đông Âu, trong đó có CH Séc, Slovakia, Romania và Hungary. Nhóm 4 nước trên luôn giữ quan điểm cứng rắn đối với việc tiếp nhận người di cư, cho rằng vấn đề này đe dọa đến ổn định của châu Âu.