Trả lời phỏng vấn báo chí Đức, ông Olaf Scholz khẳng định thành phố Humburg cùng một lực lượng 20.000 cảnh sát đã sẵn sàng đảm bảo an ninh cho Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới. Thị trưởng Hamburg nhấn mạnh chính quyền thành phố sẽ không để xảy ra các hành động bạo lực và các cuộc biểu tình "mang tính chất thù địch" trong thời gian diễn ra hội nghị.
Xe cảnh sát đỗ trước tòa nhà, nơi sẽ diễn ra Hội nghị G20 tại Hamburg, Đức. Ảnh: EPA/TTXVN |
Tuyên bố của người đứng đầu thành phố đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 được đưa ra trong bối cảnh một số nhóm phản đối toàn cầu hóa đã nộp đơn xin kéo dài các cuộc biểu tình tại Hamburg, dự kiến có thể thu hút khoảng 150.000 người tham gia.
Giới chức thành phố đã lập những trung tâm tạm thời để có thể bắt giữ những người vi phạm pháp luật. Chi phí cho những trung tâm này hiện đã lên tới 750.000 euro và được lấy từ ngân sách liên bang.
Ngày 26/6, tập đoàn truyền thông Đức Funke Mediengruppe đưa tin nhiều quốc gia như Mexico, Mỹ, Anh, Nam Phi, Hà Lan... đã gửi đề nghị lên Văn phòng Quản lý Liên bang Đức (BVA) về vấn đề được phép mang vũ khí tới hội nghị.
Bên cạnh phái đoàn của các quốc gia, các đại diện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã gửi đề nghị tương tự. Cho tới nay, BVA chưa từ chối bất cứ đề nghị mang vũ khí nào của các quốc gia tham dự G20. Tuy nhiên, lực lượng Cảnh sát chống tội phạm liên bang Đức cho biết mặc dù được phép mang vũ khí tới Hội nghị thượng đỉnh G20, các nhân viên an ninh nước ngoài sẽ "chỉ có quyền phòng vệ".
Giới chức an ninh Đức cũng đã lên kế hoạch ứng phó với các cuộc biểu tình, bạo loạn có thể xảy ra trong thời gian diễn ra hội nghị. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ Đức cho biết nước này bắt đầu áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới từ ngày 12/6 vừa qua. Các biện pháp kiểm soát được thực thi "linh hoạt" dọc các biên giới trên bộ, trên không và trên biển của Đức nhằm ngăn chặn những đối tượng có kế hoạch bạo lực xâm nhập lãnh thổ. Việc áp dụng các biện pháp sẽ kéo dài đến ngày 11/7 với sự hỗ trợ của các nước láng giềng cũng như Ủy ban châu Âu.