Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, nhật báo Handelsblatt (Thương mại) của Đức dẫn nội dung bản ghi nhớ lưu hành nội bộ của Bộ Ngoại giao Đức cho biết căn cứ các báo cáo truyền thông, Bộ trên nhận thấy phần mềm họp trực tuyến Zoom có nhiều vấn đề nghiêm trọng về bảo mật dữ liệu và an ninh, dẫn đến nhiều rủi ro khi sử dụng. Tuy nhiên, bản ghi nhớ nhấn mạnh do phần mềm này được sử dụng rộng rãi giữa các đối tác quốc tế của Bộ, nên hiện chưa thể cấm sử dụng hoàn toàn. Theo đó, trong các trường hợp khẩn cấp hay khủng hoảng, các nhân viên của Bộ Ngoại giao Đức vẫn có thể sử dụng phần mềm họp trực tuyến Zoom trên máy tính cá nhân phục vụ công việc của ngành.
Trước đó, một nguồn tin Chính phủ Đức đã xác nhận tính xác thực của bản ghi nhớ trên, đồng thời khẳng định rõ không có quy định hạn chế sử dụng phiên bản phần mềm Zoom trên máy tính để bàn qua kết nối cố định. Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo người sử dụng không nên lưu giữ các hội thoại bí mật do ứng dụng phần mềm này thiếu mã hóa đầu cuối.
Số người sử dụng phần mềm họp trực tuyến Zoom hằng ngày đã tăng mạnh kể từ khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới. Hàng triệu người buộc phải làm việc tại nhà do dịch bệnh đã sử dụng ứng dụng này, trong khi các trường học cũng chuyển sang sử dụng ứng dụng này để thực hiện giảng dạy trực tuyến. Sự gia tăng sử dụng ứng dụng này đã bộc lộ nhiều lỗ hổng bảo mật, trong đó có hiện tượng chia sẻ màn hình được gọi là "Zoombombing". Hiện phía Zoom đã thuê cựu Giám đốc an ninh của Facebook Alex Stamos làm cố vấn và thành lập một ban cố vấn để tìm giải pháp cải thiện các vấn đề về quyền riêng tư và bảo mật của ứng dụng này.
Tập đoàn SpaceX của Mỹ đã cấm nhân viên sử dụng ứng dụng hội nghị truyền hình Zoom vì lo ngại những vấn đề về quyền riêng tư và bảo mật quan trọng sau khi cơ quan thực thi pháp luật Mỹ cảnh báo người dùng về sự an toàn của ứng dụng nổi tiếng này. Nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang xem xét động thái tương tự.