Lên ngôi giữa đại dịch
Theo kênh CNN (Mỹ), khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 buộc hàng trăm triệu người trên thế giới phải ở nhà, nền tảng video ra đời cách đây 9 năm tại Mỹ là ứng dụng mà nhiều người tìm tới để tổ chức các cuộc họp ảo, giảng bài trực tuyến, hoạt động giải trí, lễ hội hóa trang, lễ nhà thờ, câu lạc bộ sách, hẹn hò…
Giống như Facebook hay Twitter, Zoom cũng trở thành một phần chủ chốt trong văn hóa internet. Nhóm Facebook có tên “Zoom Memes for Self Quarantines” (tạm dịch Trào lưu Zoom khi cho người tự cách ly) có gần 395.000 thành viên. Đây là nơi họ chia sẻ truyện cười, video hài hước liên quan tới Zoom, ví dụ video một học sinh giả vờ Zoom bị lỗi để bỏ làm bài tập, hay một giáo sư giảng bài cho thú nhồi bông.
Ngay từ khi mới ra đời, Zoom mong muốn nổi bật giữa thị trường toàn sản phẩm bị ghét nhiều hơn là yêu thích. Trong bức thư gửi cổ đông cách đây một năm, sáng lập viên kiêm Tổng giám đốc điều hành Eric Yuan đã nói về việc mọi người không hài lòng với các công cụ hội nghị truyền hình trên thị trường và ông muốn Zoom là một ứng dụng mang lại hạnh phúc.
Tuy nhiên, đó là trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra. Giờ đây, các công cụ truyền hình trực tuyến đã trở thành ứng dụng quan trọng và có lẽ nổi tiếng nhất là Zoom.
Phiên bản miễn phí của Zoom có thể tổ chức cuộc họp với 100 người tham gia một lúc. Phiên bản miễn phí Skype của Microsoft chỉ cho phép 50 người. Zoom có nhiều công cụ cá nhân hóa, như khả năng chọn nền khác nhau, thay đổi góc camera, tổ chức cuộc gọi riêng mã hóa, gửi tin nhắn trực tiếp và ghi âm cuộc họp.
Nếu cuộc gọi kéo dài trên 40 phút, người dùng có thể trả 14,99 USD/tháng để gọi không giới hạn số phút. Người dùng là doanh nghiệp phải trả 19,99 USD.
Trong những tuần gần đây, Zoom là ứng dụng được tải nhiều nhất trên App Store của Apple, liên tục phá vỡ kỷ lục lượt tải. Tính tới 23/3, Zoom được tải 2,13 triệu lượt trên toàn thế giới, tăng so với 2,04 triệu lượt ngày trước đó. Hai tháng trước đó, ứng dụng này chỉ có chưa đầy 56.000 lượt tải toàn cầu trong một ngày.
Công ty Zoom ra mắt năm 2011 khi Eric Yuan rời vị trí kỹ sư sáng lập nền tảng video WebEx ở tập đoàn Cisco. WebEx là một trong những đối thủ của Zoom hiện nay.
Tháng 4/2019, Zoom niêm yết trên sàn chứng khoán và hoạt động tốt hơn các công ty công nghệ như Lyft và Uber – hai công ty phát hành lần đầu ra công chúng cùng thời điểm.
Cổ phiếu của Zoom tăng 72% giá trị vào ngày giao dịch đầu tiên, giúp công ty có giá trị thị trường là 16 tỷ USD. Tính tới 27/3, Zoom có giá trị trên 40 tỷ USD.
Từ khi Zoom bắt đầu là công ty đại chúng, các nhà đầu tư bị thu hút bởi tầm nhìn của ông Yuan: “Video là tương lai của liên lạc”. Dường như, tương lai đó đến nhanh hơn rất nhiều và đột ngột hơn nhiều người hình dung. Ông Yuan nói trong hội nghị trực tuyến với các nhà phân tích đầu tháng 3: “Đây là thời điểm rất quan trọng. Trong thời gian ngắn, gần như tất cả đều đọc và hiểu họ cần một công cụ như thế này”.
Giờ đây, Zoom dường như mở rộng dịch vụ trên mọi ngành nghề với tốc độ nhanh không kém đại dịch COVID-19. Zoom đang cung cấp dịch vụ cho các trường học miễn phí ở nhiều nước. Zoom cũng giảm phí tháng cho mọi người dùng ở Trung Quốc.
Ông Wayne Kurtzman, người theo dõi các nền tảng hội nghị trực tuyến cho công ty nghiên cứu thị trường IDC, nói: “Zoom nhận ra rằng mình có thể đẩy nhanh tăng trưởng tới vài năm ngay bây giờ”.
Zoom không phải là ứng dụng hội thoại video duy nhất tăng trưởng nhanh trong thời dịch bệnh. Vào ngày 23/3, Skype dành cho iPhone đã được tải hơn 500.000 lượt một ngày. WebEx dành cho iPhone có 89.000 lượt tải. Các công ty như Cisco hay Microsoft cũng đã sẵn sàng cho những ngày như thế này, những ngày mà doanh thu và tăng trưởng tăng theo cấp lũy thừa.
Tuy nhiên, Zoom mới là công ty có khả năng đáp ứng nhu cầu của những người làm việc từ xa và là công cụ phù hợp để trò chuyện với mọi người. Nhờ đó, Zoom đã trở ngôi sao vụt sáng trong mùa dịch. Ứng dụng Zoom tăng trưởng mạnh nhất vì nó dễ sử dụng hơn và mạnh hơn các ứng dụng khác. Zoom cũng thuận lợi khi ở đúng thời điểm mà mọi người thực sự cần.
Mặt trái tăng trưởng
Dù vậy, cũng có mặt trái khi Zoom tăng trưởng thần tốc. Giống như nhiều mạng xã hội truyền thống khác, Zoom đối mặt lo ngại về quyền riêng tư và tình trạng quấy rối trên mạng.
Có một từ mới liên quan Zoom xuất hiện: Zoombombing (thả bom trên Zoom), tức là hành vi của những kẻ nhàn cư vi bất hiện hoặc tin tặc chiếm quyền kiểm soát các đoạn hội thoại qua video và hiển thị các hình ảnh hoặc bình luận thiếu văn minh, ví dụ hình ảnh khiêu dâm.
Mới đây, theo một báo cáo từ Vice, ứng dụng ZOOM cho nền tảng iOS đã âm thầm gửi dữ liệu người dùng cho Facebook mà không cần sự cho phép từ người dùng, dữ liệu được gửi kể cả khi người dùng không có tài khoản Facebook.
Các dữ liệu được gửi cho Facebook bao gồm thông tin chi tiết về thiết bị, thời gian mở ứng dụng, múi giờ, địa điểm, nhà mạng sử dụng và ID quảng cáo riêng của từng người dùng. Với nhiều người những thông tin này không quan trọng nhưng với các công ty thì đây là dữ liệu vô cùng quý giá để phân loại và gửi quảng cáo chính xác đến người dùng.
Sau khi bị phát hiện, Zoom đã thừa nhận sự việc này và cho rằng SDK (công cụ hỗ trợ phát triển phần mềm) của Facebook sử dụng để phát triển triển tính năng 'Đăng nhập bằng Facebook' của ứng dụng đã thu thập một số dữ liệu không cần thiết từ thiết bị của người dùng.