Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết ông đã đề xuất với Đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell tổ chức một hội nghị ngoại trưởng các nước thành viên EU nhằm đạt được sự nhất trí về cách tiếp cận chung đối với vấn đề này.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Maas cũng cho biết Berlin sẽ trao đổi với Baghdad sau khi Quốc hội Iraq cùng ngày thông qua nghị quyết yêu cầu chấm dứt sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài tại quốc gia Trung Đông này. Ông nhấn mạnh mối quan tâm lớn nhất của Đức chính là hỗ trợ, duy trì sự đoàn kết và ổn định của Iraq không bị ảnh hưởng bởi sự leo thang căng thẳng gần đây tại khu vực Trung Đông.
Ngoại trưởng Heiko Maas khẳng định nếu tình hình cho phép, Berlin sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ cũng như triển khai 120 binh sĩ tham gia chiến dịch quân sự do Mỹ đứng đầu, đồng thời cho biết Berlin đang thảo luận vấn đề này với các nước đối tác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), EU, Liên minh chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và trên hết là với các mối liên hệ của Đức tại Iraq.
Vụ Mỹ không kích sân bay quốc tế ở Baghdad hôm 3/1 đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột lớn trong khu vực sau khi cả Tehran và Washington đều đưa ra cảnh báo đáp trả mạnh tay.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo rằng các hành động trả đũa sẽ dẫn tới tình trạng bạo lực nghiêm trọng hơn tại khu vực Trung Đông.
Trong một tuyên bố, nhà lãnh đạo Anh nêu rõ: "Rõ ràng là những lời kêu gọi trả thù hay trả đũa đơn giản sẽ dẫn tới tình trạng bạo lực leo thang hơn nữa trong khu vực và không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào". Ông Johnson cho biết ông đã thảo luận với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel về diễn biến tại Trung Đông và các nhà lãnh đạo đều nhất trí phối hợp cùng nhau nhằm giảm thiểu căng thẳng tại khu vực này.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng căng thẳng leo thang tại Trung Đông cần phải được đưa vào vòng kiểm soát trước khi vượt quá giới hạn làm tổn hại tới tất cả các bên.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình với Đài truyền hình CNN Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan cho biết Ankara đang nỗ lực hết sức để giảm căng thẳng giữa Mỹ và Iran, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế. Ông cho biết sẽ thảo luận chi tiết vấn đề này với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm Istanbul của nhà lãnh đạo Nga vào ngày 8/1 tới.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit đã bày tỏ sự quan ngại trước những diễn biến leo thang gần đây tại Iraq, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế. Theo ông Aboul Gheit, tình hình khu vực hiện tại rất cần thiết phải duy trì sự kiềm chế, tránh leo thang, mất kiểm soát và kích động xung đột.
Trong khi đó, đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền tại Nam Phi đã lên án hành vụ không kích của Mỹ, coi đây là hành vi “vô nhân đạo” và “khủng bố quốc tế”. Theo ANC, hành động hiếu chiến của Mỹ nhằm vào người dân và Chính phủ Iran có nguy cơ đẩy khu vực Trung Đông và thế giới vào cuộc chiến toàn diện. ANC cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế tối đa để tạo cơ hội cho hòa bình.
Những diễn biến căng thẳng tại Trung Đông đã đẩy giá vàng lên mức cao nhất trong gần 7 năm qua, trong khi giá dầu mỏ tăng ở mức đỉnh trong 4 tháng và các thị trường chứng khoán ở châu Á đều đồng loạt giảm .
Trong phiên giao dịch sáng 6/1, giá vàng đã tăng 1,2% lên 1.569,47 USD/ounce, mức cao nhất kể từ tháng 4/2013. Trong khi đó, giá dầu thô Brent tăng 1,02 USD lên 69, 62 USD/thùng và giá dầu thô Mỹ tăng 81 cents lên 63, 86 USD/thùng.
Trong khi đó, chỉ số MSCI khu vực châu Á Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,2% mặc dù thị trường chứng khoán tại Trung Quốc chưa mở cửa. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản cũng giảm 1,7%.