Tuyên bố này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015.
Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Berlin sẽ tiếp tục có trách nhiệm với thỏa thuận hạt nhân. Ảnh: THX/TTXVN |
Phát biểu tại một cuộc họp của ban lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo Đức (CDU) ở Berlin ngày 9/5, Thủ tướng Merkel phê phán quyết định của Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi JCPOA, đồng thời nhấn mạnh Đức cam kết tiếp tục duy trì thỏa thuận và sẽ nỗ lực hết sức để Iran vẫn tuân thủ trách nhiệm theo những cam kết đã ký. Theo Thủ tướng Merkel, Đức, Pháp và Anh rất "quan ngại" và "lấy làm tiếc" về quyết định của Mỹ đối với một thỏa thuận đạt được sau tiến trình đàm phán tốn rất nhiều công sức.
Nhà lãnh đạo Đức cũng cảnh báo JCPOA là "một trụ cột quan trọng không thể nghi ngờ", rằng quyết định của Tổng thống Trump cũng cho thấy châu Âu cần phải tự đảm trách nhiều trách nhiệm hơn về chính sách an ninh và đối ngoại trong tương lai. Bên cạnh đó, Thủ tướng Merkel cũng bày tỏ quan ngại về chương trình tên lửa đạn đạo của Iran cũng như vai trò của Tehran ở khu vực, như trong cuộc xung đột ở Syria và Iraq.
Theo bà, cần phải thảo luận các vấn đề này với giới chức Iran. Trước đó, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert tuyên bố Berlin sẽ phải xem xét hậu quả từ quyết định của Tổng thống Mỹ đối với các doanh nghiệp Đức. Trong khi đó, Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do Đức (FDP) Christian Lindner đề xuất triệu tập một hội nghị thượng đỉnh bất thường của Liên minh châu Âu (EU) để đi tới một quan điểm thống nhất liên quan JCPOA.
Đối với giới doanh nghiệp Đức, sau quyết định của Tổng thống Mỹ, các công ty Đức hiện không chỉ lo ngại về hoạt động kinh doanh ở Iran mà còn "phấp phỏng" cả các hoạt động ở Mỹ, đồng thời kêu gọi phía Chính phủ Đức có động thái bảo vệ giới doanh nghiệp. Báo Tấm gương (Spiegel) của Đức viết rằng giới kinh tế Đức đã bị sốc trước quyết định của Tổng thống Trump liên quan thỏa thuận JCPOA.
Bài báo dẫn một tuyên bố của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) cho rằng các doanh nghiệp châu Âu cũng sẽ bị phạt ở Mỹ nếu các đối tác Iran bị Mỹ liệt vào danh sách trừng phạt. Như vậy các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng sẽ tác động tới các doanh nghiệp Đức ngay cả khi EU từ chối áp đặt trừng phạt Iran. Tuy nhiên, hiện chưa rõ các hợp đồng đã triển khai có nằm ngoài diện bị Mỹ trừng phạt hay không. Kể từ khi ký JCPOA năm 2015, hoạt động thương mại giữa Đức và Iran đã tăng 42%, đạt 3,4 tỷ euro. Riêng trong năm 2017, xuất khẩu máy móc của Đức sang Iran đã tăng 21%, lên trên 900 triệu euro.
Thông báo rút khỏi JCPOA của Tổng thống Trump đã làm dấy lên những quan ngại về leo thang căng thẳng và nguy cơ chiến tranh ở Trung Đông. Ngoại trưởng Luxemburg Jean Asselborn cảnh báo nguy cơ nổ ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân. Phát biểu với báo Tấm gương của Đức, ông Asselborn nhấn mạnh điều ông lo ngại lúc này là việc sẽ có cả những nước khác trong khu vực muốn sở hữu bom hạt nhân.