Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đánh giá việc Israel và UAE bình thường hóa quan hệ "là một đóng góp quan trọng cho nền hòa bình trong khu vực". Ông đã chúc mừng người đồng cấp Israel Gabi Ashkenazi về "bước đi lịch sử này". Ông nêu rõ: "Chúng tôi hy vọng thỏa thuận này sẽ là sự khởi đầu cho những diễn biến tích cực tiếp theo tại khu vực và sẽ tạo xung lực mới thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông".
Cùng ngày, Oman cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với thỏa thuận giữa Israel và UAE, đồng thời hy vọng bước đi này sẽ tạo điều kiện cho việc đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững tại Trung Đông.
Chính phủ Nhật Bản cũng hoan nghênh thỏa thuận giữa Israel và UAE. Thư ký báo chí của Thủ tướng Nhật Bản - ông Tomoyuki Yoshida đã gọi quyết định ngừng sáp nhập các vùng đất của người Palestine là một "động thái tích cực" của Israel.
Trong khi đó, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ lại phản đối thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và UAE. Ngày 14/8, Hãng Thông tấn quốc gia Iran (IRNA) dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran cho rằng thỏa thuận trên là "nguy hiểm và bất hợp pháp". Tehran cho rằng bước đi trên làm phương hại tới người Palestine.
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích thỏa thuận lịch sử giữa Israel và UAE là nhằm viết lại trật tự chính trị Trung Đông, từ vấn đề Palestine cho tới cuộc chiến chống Iran. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh Chính quyền Palestine và người dân Palestine đã đúng khi phản ứng mạnh mẽ trước thỏa thuận trên. Bộ trên cũng bày tỏ "vô cùng lo ngại rằng UAE, thông qua hành động đơn phương, sẽ đặt dấu chấm hết cho Sáng kiến Hòa bình Arab do Liên đoàn Arab đề xuất và được Tổ chức Hợp tác Hồi giáo ủng hộ".
Trước đó một ngày, Israel và UAE đã đạt một thỏa thuận lịch sử hướng tới việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao, do Tổng thống Mỹ Donald Trump làm trung gian. Các quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết theo thỏa thuận, Israel nhất trí ngừng áp đặt chủ quyền đối với các khu vực thuộc Bờ Tây mà đã được thảo luận sáp nhập. Thỏa thuận hòa bình là kết quả của các cuộc thảo luận kéo dài, mới được đẩy nhanh tiến độ giữa Israel, UAE và Mỹ. Thỏa thuận được nhất trí ngày 13/8 trong một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Thái tử Abu Dhabi Mohammed Bin Zayed. Các quan chức cho hay thỏa thuận sẽ được biết đến với tên gọi Hiệp ước Abraham là thỏa thuận đầu tiên kiểu này kể từ khi Israel và Jordan ký hiệp ước hòa bình vào năm 1994.
Trong khi UAE tuyên bố thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel là nhằm giải quyết mối đe dọa đối với giải pháp hai nhà nước, ngày 13/8, Tổng thống Palestine Mahmud Abbas đã triệu tập cuộc họp khẩn với các quan chức hàng đầu trong Chính quyền Palestine để đưa ra lập trường chính thức về thỏa thuận trên. Ngoại trưởng Palestine Riyad Al-Maliki cho biết theo yêu cầu của Tổng thống Mahmoud Abbas, Bộ Ngoại giao Palestine đã quyết định lập tức triệu hồi Đại sứ tại UAE nhằm phản đối thỏa thuận của UAE bình thường hóa quan hệ với Israel.