Một số điểm đến du lịch nổi tiếng nhất trên thế giới như Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Hawaii và bây giờ là Maroc đều bị tàn phá nghiêm trọng do các đợt thảm họa thiên tai trong năm nay. Các vụ động đất, cháy rừng và lũ lụt gần như đã phá huỷ toàn bộ các thành phố, làng mạc, cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người cũng như làm hư hỏng các di tích văn hóa.
Hàng loạt sự kiện thảm khốc đã khiến nhiều du khách bối rối không biết nên ứng phó thế nào. Những người đang trong hành trình du lịch ở một đất nước vừa xảy ra thảm họa tranh luận không biết nên ở lại hay rời đi. Những người đang lên lịch trình chuyến đi sắp tới băn khoăn liệu có nên hủy kế hoạch hay không. Liệu bản thân những du khách này và doanh thu mà họ mang lại có thực sự giúp ích được gì cho vùng đất đang gặp thảm họa không hay sẽ trở thành gánh nặng? Làm thế nào để tiếp tục phát triển du lịch trong khi một quốc gia còn đang chìm trong đau thương do mất mát quá lớn và các nỗ lực cứu hộ đang được tiến hành?
Giới chuyên gia du lịch cho biết với những câu hỏi trên, không hề có câu trả lời thỏa đáng. Tác động của mỗi thảm họa là khác nhau và mặc dù du khách nên làm theo hướng dẫn của các quan chức chính phủ sở tại sau những sự kiện như vậy, nhưng cộng đồng địa phương không phải lúc nào cũng đồng thuận với phương án phản ứng.
Sau vụ cháy rừng ở đảo thiên đường Maui đã phá hủy phần lớn thị trấn Lahaina vào tháng 8, khiến ít nhất 115 người thiệt mạng, cư dân trên đảo, vốn kế sinh nhai phụ thuộc vào ngành du lịch, đã nảy sinh xung đột trước quyết định của chính quyền địa phương khi tiếp tục nối lại hoạt động du lịch. Người dân địa phương cho rằng họ vẫn chưa vượt qua nỗi đau khi cuộc sống đã bị thiêu trụ hoàn toàn trong cơn bão lửa.
Tuy nhiên, tại Maroc, nơi vừa xảy ra một trận động đất mạnh 6,8 ở dãy núi Atlas phía Tây Nam Marrakech vào tối 8/9, khiến hàng nghìn người thiệt mạng, triển vọng về phát triển du lịch lại đạt được sự đồng thuận hơn. Trong bối cảnh cao điểm mùa du lịch đang diễn ra và hầu hết các điểm bị ảnh hưởng do trận động đất đều nằm cách xa các điểm nóng du lịch, nhiều người dân địa phương mong muốn du khách nước ngoài tiếp tục đến để họ có thể hỗ trợ nền kinh tế và đóng góp cho các nỗ lực cứu trợ.
Mouna Anajjar, Tổng biên tập I Came for Couscous, một tạp chí chuyên đề địa phương, cho biết: “Sau đại dịch COVID-19, quyết định cấm khách du lịch sẽ là một điều khủng khiếp đối với thành phố Marrakech. Người dân tại đây làm ngành nghề du lịch sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”.
Đối với những du khách còn đang cân nhắc xem liệu có tiếp tục hành trình khám phá của mình tại những khu vực đang bị ảnh hưởng hay không, các chuyên gia về du lịch đã đưa ra một vài hướng dẫn để du khách tham khảo và có một chuyến đi an toàn, trọn vẹn hơn.
Điều đầu tiên cần làm là kiểm tra các hướng dẫn chính thức từ chính phủ và thông tin đăng trên báo chí để từ đó đánh giá tình hình thực tế bên ngoài.
Khi trận cháy rừng thảm khốc quét qua Maui vào tháng trước, chính quyền địa phương đã kêu gọi khách du lịch nên ở nhà.
Đối với Hy Lạp, khi nước này bị các đám cháy rừng tấn công vào tháng 7 và hàng nghìn du khách phải sơ tán khỏi các đảo Rhodes và Corfu, nhiều du khách đã hủy lịch trình thăm quan, ngay cả những người đi du lịch đến các khu vực không bị ảnh hưởng. Trước thực trạng này, Bộ trưởng Du lịch Hy Lạp đã đưa ra phản hồi, nhấn mạnh phần lớn đất nước, bao gồm cả một phần các hòn đảo bị ảnh hưởng, vẫn an toàn cho khách du lịch.
Trong khi đó, ban đầu, khi tin tức về trận động đất xảy ra ở Maroc lan truyền, nhiều người cho rằng nhiều điểm du lịch nổi tiếng, bao gồm Marrakech và các thị trấn Imsouane và Essaouira lân cận bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, phần lớn thiệt hại tập trung gần tâm chấn ở tỉnh Al Haouz. Ngay sau trận động đất, hầu hết các tour du lịch Maroc đã bị hủy khi các nhà lữ hành nỗ lực đưa ra các đánh giá an toàn quan trọng, đảm bảo tất cả khách hàng và nhân viên đều được giải cứu, cũng như khách du lịch không cản trở nỗ lực cứu hộ.
Nhưng bây giờ, sau khi xác định thiệt hại chỉ tập trung ở các vùng nông thôn và theo hướng dẫn của chính phủ, hầu hết các chuyến du lịch đều được khai thác lại với một số hành trình được sửa đổi. Theo Hiệp hội Khách sạn Maroc, phần lớn các khách sạn không bị ảnh hưởng.
Zina Bencheikh, giám đốc điều hành lữ hành tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi của Intrepid Travel, cho biết: “Có những khu vực bên trong khu trung tâm Marrakech bị hư hại, một số di tích lịch sử bị đóng cửa, nhưng hầu hết các khu vực bên trong thành phố đều hoàn toàn có thể đến thăm. Đất nước vẫn mở cửa, sân bay, trường học, khách sạn, cửa hàng và nhà hàng vẫn hoạt động bình thường sau trận động đất”. Intrepid Travel có 600 khách hàng ở Maroc vào đêm xảy ra trận động đất và chỉ có 17 khách hàng phải rút ngắn chuyến đi.
Ángel Esquinas, giám đốc khu vực của Tập đoàn khách sạn Barcelo, có cơ sở kinh doanh ở Marrakech, cho biết khách du lịch không cần phải rút ngắn chuyến đi trừ khi họ cảm thấy cần thiết.
“Việc khách du lịch tiếp tục các hoạt động được lên kế hoạch từ trước như tham gia các chuyến thăm quan, thư giãn bên hồ bơi hoặc tận hưởng cuộc sống về đêm là hoàn toàn có thể chấp nhận được. Maroc vẫn là một điểm đến sôi động và thân thiện. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cần nhắc nhở du khách hành xử cho đúng mực trước bầu không khí có phần trầm lắng xung quanh và thể hiện sự tôn trọng đối với cộng đồng địa phương. Điều quan trọng là phải đạt được sự cân bằng giữa việc hỗ trợ nền kinh tế địa phương và không gây áp lực cho cộng đồng”, ông Esquinas đánh giá.
Cassandra Karinsky, người đồng sáng lập Plus-61 - một nhà hàng nổi tiếng ở Marrakech, cho biết cô đã mở cửa trở lại một ngày sau trận động đất để gia tăng sự đoàn kết cho người dân địa phương vào thời điểm khó khăn. "Giờ đây chúng tôi đang cùng nhau quyên góp tiền và hỗ trợ cộng đồng địa phương. Công việc bắt đầu bận rộn trở lại. Mọi người vẫn cần ăn và mỗi ngày đều cần một bầu không khí lạc quan hơn để cùng giúp đỡ nhau và hi vọng về tương lai”. Cô cho biết không khí trầm lắng hơn bình thường và mọi người vẫn còn sốc, nhưng du khách rất quan tâm và tôn trọng người dân địa phương.
Tới một quốc gia đang gặp thiên tai du lịch có thể là một sự hỗ trợ lớn cho các nỗ lực cứu trợ vì kế sinh nhai của nhiều người dân địa phương phụ thuộc vào ngành du lịch. Tại Maroc, du lịch chiếm 7,1% tổng sản phẩm quốc nội và là nguồn thu nhập quan trọng cho các gia đình có thu nhập thấp đến trung bình. Khách du lịch có thể quyên góp cho một số tổ chức viện trợ như Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đang ứng phó với thảm họa. Tại Hawaii, Quỹ Cộng đồng Hawaii tiếp tục điều hành một quỹ hỗ trợ nhu cầu lâu dài của những người bị ảnh hưởng bởi cháy rừng.
Bên cạnh quyên góp tiền, khách du lịch đang ở một quốc gia bị thiên tai cũng có thể cân nhắc việc hiến máu tại các ngân hàng máu – thường được thành lập sau thảm hoạ thiên nhiên - để hỗ trợ các nạn nhân hết sức có thể.