Dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới tăng cao kỷ lục

Ngày 18/1, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm nay sẽ tăng thêm 1,9 triệu thùng/ngày lên mức cao kỷ lục 101,7 triệu thùng/ngày. Trong đó, gần 50% mức tăng là nhờ Trung Quốc dỡ các biện pháp hạn chế được áp đặt để phòng đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Bể chứa dầu tại kho dự trữ ở Cushing, Oklahoma, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong báo cáo hằng tháng về dầu mỏ, IEA cho biết nhu cầu sử dụng dầu mỏ năm 2023 dự kiến là 101,7 triệu thùng/ngày, cao hơn 80.000 thùng so với con số được đưa ra trong báo cáo tháng 12/2022 và là mức cao kỷ lục. Theo Cơ quan năng lượng có trụ sở tại Paris (Pháp), dự báo trên được đưa ra trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt, triển vọng kinh tế thế giới phần nào cải thiện và việc Trung Quốc mở lại nền kinh tế nhanh hơn dự kiến. IEA cũng cho rằng môi trường kinh tế toàn cầu nhìn chung vẫn có nhiều khó khăn, với đa số chuyên gia dự báo các nền kinh tế Mỹ và châu Âu suy thoái nhẹ trong năm nay.

IEA cho rằng Nga và Trung Quốc là 2 nước có tác động lớn đến triển vọng của thị trường dầu mỏ năm nay. Cụ thể, nguồn cung dầu mỏ của Nga chững lại do tác động mạnh của các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với nước này trong khi việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy gần 50% mức tăng tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu.  

Khi nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc tăng trở lại, nước này khả năng sẽ vượt Ấn Độ trong năm nay và trở thành nước dẫn đầu thế giới về nhu cầu dầu mỏ. IEA vừa điều chỉnh nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc tăng thêm 40.000 thùng/ngày so với năm ngoái lên 850.000 thùng/ngày. 

Trong khi đó, Mỹ được dự báo sẽ là nước đóng góp chủ yếu cho nguồn cung dầu mỏ năm nay giữa lúc sản lượng dầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) sẽ giảm 870.000 thùng/ngày, với Nga dẫn đầu.

Theo báo cáo của IEA, sản lượng dầu của Nga trong tháng 12/2022 giảm trung bình 200.000 thùng/ngày so với tháng trước đó, sau khi Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu dầu thô của nước này qua đường biển và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) áp giá trần đối với dầu thô của Nga. Xuất khẩu dầu của Nga năm ngoái tăng chỉ chưa đầy 5%, dù giá đã giảm nhiều.

Nguyễn Hằng (TTXVN)
EU để mở cửa sau cho dầu Nga bị trừng phạt
EU để mở cửa sau cho dầu Nga bị trừng phạt

Ấn Độ dự kiến ​​tinh chế dầu thô Nga bị trừng phạt và chuyển trở lại Liên minh châu Âu (EU) dưới dạng dầu diesel.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN