Xu hướng giảm của đồng USD đa phần được thúc đẩy bởi kỳ vọng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất khi nền kinh tế lớn nhất thế giới suy yếu. Ông Guy Miller, chiến lược gia thị trường trưởng của tập đoàn bảo hiểm Zurich Insurance Group, nhận định đồng USD sẽ tiếp tục chịu áp lực trong thời gian còn lại của năm nay.
Trong số các nền kinh tế chịu sức nóng của đồng USD, Nhật Bản là cái tên được chú ý hàng đầu.
Vào tháng Bảy, thị trường đã chuẩn bị cho khả năng Chính phủ Nhật Bản can thiệp để hỗ trợ đồng yen vốn đã chạm mức thấp nhất trong 38 năm so với đồng USD. Nhưng sự phục hồi mạnh mẽ của đồng nội tệ Nhật Bản đã chấm dứt những đồn đoán về khả năng này.
Hiện 1 USD đổi được 146 yen, giảm hơn 15 yen hay khoảng 10% so với mức ghi nhận hồi giữa tháng Bảy. Điều này chủ yếu nhờ động thái tăng lãi suất hồi cuối tháng Bảy của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), cùng khả năng Fed sắp cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng Chín này.
Đồng USD yếu hơn cũng đã hỗ trợ đồng tiền của các thị trường mới nổi khác, đặc biệt là ở châu Á. Vào tháng 8/2024, đồng peso của Philippines đã ghi nhận mức tăng hàng tháng so với đồng USD cao nhất trong 18 năm. Đồng rupiah của Indonesia cũng ghi nhận mức tăng theo tháng cao nhất trong hơn bốn năm. Tuy nhiên, động lực đó không lan sang khu vực Mỹ Latinh, nơi đồng peso của Mexico và phần lớn khu vực này chịu tổn thất nặng nề do tình hình khó khăn trong nước và giá hàng hóa bấp bênh.
Dù vậy, đồng USD yếu hơn cùng với hy vọng kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm” vẫn cho phép một số thị trường mới nổi có nhiều không gian hơn để cắt giảm lãi suất cũng như đối phó với các vấn đề tăng trưởng trong nước.
Ông Ehsan Khoman, Giám đốc nghiên cứu các thị trường mới nổi của công ty tài chính MUFG, cho biết trong phần còn lại của năm 2024, các ngân hàng trung ương ở Philippines, Singapore, Nam Phi, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham gia làn sóng cắt giảm lãi suất cùng các ngân hàng trung ương khác ở Mỹ Latinh, Trung và Đông Âu.
Một trường hợp tương đối đặc biệt ở châu Á là Trung Quốc. Đầu năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng ngăn chặn đồng nội tệ suy yếu quá mức so với đồng USD, một phần vì lo ngại điều này sẽ gây ra tình trạng thoái vốn. Nhưng với đồng NDT hiện ở mức mạnh nhất kể từ tháng 6/2023, các nhà chức trách lại lo ngại rằng đồng NDT mạnh hơn nữa có thể gây ra gián đoạn cho nền kinh tế.
Đà tăng của đồng NDT phần lớn là do đồng USD suy yếu. Đáng chú ý, đồng NDT có thể tiếp tục mạnh lên nếu các nhà xuất khẩu Trung Quốc bán đi số USD họ đã tích lũy được.
Nhà kinh tế trưởng phụ trách thị trường Trung Quốc của ngân hàng ING, bà Lynn Song, cho biết nhìn chung các diễn biến bên ngoài sẽ tiếp tục vượt trội hơn lực cản trong nước và đồng NDT sẽ dần mạnh lên. Bà dự báo đồng bạc xanh sẽ ở mức 1 USD đổi 7 NDT vào cuối năm, giảm khoảng 1% so với hiện tại.
Tại châu Âu, câu chuyện lại có sắc thái khác. Hai năm trước, đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD, một phần do bất ổn chính trị. Cùng khoảng thời gian đó, đồng euro đạt mức ngang giá so với đồng USD - động thái làm trầm trọng thêm cuộc chiến lạm phát của các ngân hàng trung ương.
Giờ đây, điều đó đã thay đổi. Đồng bảng Anh và đồng euro đang là những đồng tiền chủ chốt có hiệu suất tốt nhất trong năm nay. Đồng bảng Anh đang giao dịch quanh mức 1 bảng đổi 1,30 USD, tăng hơn 25% kể từ mức thấp kỷ lục. Đồng euro ở mức 1 euro đổi 1,10 USD, được hỗ trợ bởi những đồn đoán của thị trường về khả năng Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất ít hơn so với Fed.
Đà mạnh lên của các đồng tiền này có thể sẽ giảm bớt áp lực lên các nhà hoạch định chính sách lãi suất của Anh và Liên minh châu Âu (EU). Họ đang tìm cách nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng vẫn phải lưu ý đến lạm phát dai dẳng ở một số lĩnh vực của nền kinh tế.