Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Theo đó, ông Marco Rubio cho biết Ukraine và châu Âu sẽ là một phần của bất kỳ "cuộc đàm phán thực sự" nào nhằm chấm dứt cuộc chiến hiện nay. Phát biểu trên nhằm ám chỉ rằng các cuộc đàm phán của Mỹ với Nga trong tuần này là cơ hội để đánh giá tính "nghiêm túc" của Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề hòa bình tại Ukraine.
Nhà ngoại giao Mỹ đã hạ thấp mối lo ngại của châu Âu về việc bị loại khỏi các cuộc đàm phán ban đầu giữa Nga và Mỹ dự kiến diễn ra tại Saudi Arabia trong những ngày tới. Trong một cuộc phỏng vấn với CBS, ông Rubio cho biết quá trình đàm phán vẫn chưa bắt đầu một cách "nghiêm túc" và nếu các cuộc đàm phán tiến triển, phía Ukraine và châu Âu sẽ cùng tham gia.
Trước đó cùng ngày, hãng tin Reuters đưa tin rằng các quan chức Mỹ đã trao cho phía châu Âu một danh sách các câu hỏi, trong đó có liên quan đến số lượng binh sĩ mà “lục địa già” thể đóng góp để thực thi thỏa thuận hòa bình giữa Ukraine và Nga.
"Tuần trước, Tổng thống Trump đã nói chuyện với ông Vladimir Putin và trong đó, nhà lãnh đạo Nga bày tỏ sự quan tâm của mình đến hòa bình. Tổng thống Trump mong muốn chấm dứt cuộc xung đột này theo cách lâu dài và bảo vệ được chủ quyền của Ukraine", ông Rubio phát biểu trên chương trình Meet The Press của CBS.
Theo lịch trình, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Trung Đông, ông Steve Witkoff và Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz cùng đến Saudi Arabia vào tối ngày 16/2 (theo giờ địa phương). Thông tin trên được ông Witkoff chia sẻ trong cuộc phỏng vấn trên Fox News.
Ông Rubio cho biết cũng sẽ đến Saudi Arabia theo lịch trình của một chuyến công du chính thức đã được sắp xếp trước đó. Ông cho biết thành phần của phái đoàn Nga hiện vẫn chưa được "hoàn thiện".
Các cuộc đàm phán được lên kế hoạch tại Saudi Arabia dường như trùng thời điểm với những nỗ lực của Mỹ nhằm đạt được một thỏa thuận đối với nguồn tài nguyên giàu có của Kiev. Trong một cuộc phỏng vấn của NBC phát sóng ngày 16/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ra những nghi ngại liên quan đến việc nguồn khoáng sản tại các khu vực do Nga kiểm soát có được trao cho Moskva hay không.
Ngày 16/2, Tổng thống Trump, người đã có cuộc gọi với Tổng thống Nga Putin vào ngày 12/2, nói rằng ông tin tưởng nhà lãnh đạo Nga sẽ không muốn cố gắng kiểm soát toàn bộ Ukraine. "Điều đó sẽ gây ra cho tôi một vấn đề lớn, vì bạn không thể để điều đó xảy ra. Tôi nghĩ ông ấy muốn chấm dứt nó", ông Trump nói với các phóng viên ở West Palm Beach, Florida. Ông cũng nhấn mạnh rằng Tổng thống Ukraine Zelensky sẽ tham gia vào các cuộc đối thoại để chấm dứt xung đột.
Vai trò của châu Âu trong các cuộc đàm phán hòa bình
Ông Rubio và ông Witkoff bác bỏ những lo ngại rằng Ukraine và các nhà lãnh đạo châu Âu khác sẽ không có chỗ đứng trong các cuộc đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Ukraine và Nga, ông Keith Kellogg, đã gần như đề cập chính xác những thông tin đó tại Hội nghị An ninh Munich vào cuối tuần trước.
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ cho biết Ukraine và các nước châu Âu khác sẽ được tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán có ý nghĩa nào. “Cuối cùng, mọi chuyện sẽ đi đến một điểm nào đó - nếu đó là các cuộc đàm phán thực sự, và chúng ta vẫn chưa đạt đến điểm đó”, ông Rubio cho biết. Ông cũng nói thêm rằng khi đến thời điểm cần thiết, Ukraine sẽ phải tham gia vì họ là bên trực tiếp trong cuộc chiến và châu Âu cũng sẽ phải tham gia vì đang áp lệnh trừng phạt đối với Nga và Tổng thống Putin.
Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết Tổng thống nước này sẽ chủ trì cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp về cuộc chiến tại Ukraine với các nhà lãnh đạo châu Âu vào ngày 17/2, sau những phát biểu gây tranh cãi và hoang mang đối với châu Âu của đặc phái viên Mỹ Kellogg.
Những động thái gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc mong muốn nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến Nga - Ukraine, sự chỉ trích liên tục về viện trợ cho Ukraine cũng như cuộc điện đàm dài với Tổng thống Nga Putin vào đầu tuần này đã làm dấy lên lo ngại ở Kiev rằng Mỹ có thể cố gắng buộc nước này chấp nhận hòa bình theo các điều kiện của Moskva.
Bên cạnh đó, cả Ukraine và châu Âu đều lo sợ rằng họ không còn có thể trông cậy vào sự bảo vệ của quân đội Mỹ và nguy cơ ông Trump sẽ cố gắng ký một thỏa thuận hòa bình về Ukraine với Tổng thống Nga Putin, làm suy yếu Kiev và an ninh của “lục địa già”.
Trong một động thái liên quan, ngày 15/2, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng nước này Sergey Lavrov theo sáng kiến từ phía Mỹ.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, cuộc trao đổi đã nêu rõ sự sẵn sàng hợp tác giữa hai bên về các vấn đề quốc tế cấp bách trong đó có việc giải quyết xung đột ở Ukraine. Cơ quan này cũng lưu ý rằng, ngoại trưởng hai nước "đã đồng ý duy trì một kênh liên lạc để giải quyết những vấn đề tồn đọng trong quan hệ giữa Nga và Mỹ, nhằm gỡ bỏ các rào cản đơn phương đối với hợp tác thương mại, kinh tế và đầu tư đôi bên, vốn được kế thừa từ chính quyền trước".
"Ông Sergey Lavrov và ông Marco Rubio đã tái khẳng định cam kết cùng làm việc để khôi phục đối thoại liên quốc gia trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với định hướng do các tổng thống đề ra. Hai bên cũng thống nhất sẽ duy trì các cuộc liên lạc thường xuyên, đặc biệt là trong quá trình chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ sắp tới", thông báo nêu rõ.
Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó cũng xác nhận về cuộc điện đàm này. Trong tuyên bố đưa ra trên website của mình, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Ngoại trưởng Marco Rubio hôm nay đã trao đổi với Ngoại trưởng Liên bang Nga Sergei Lavrov nhằm tiếp nối cuộc trò chuyện giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin hồi đầu tuần này".
Tuyên bố cho biết thêm: "Ngoại trưởng (Rubio) đã tái khẳng định cam kết của Tổng thống Trump trong việc tìm ra giải pháp chấm dứt xung đột tại Ukraine. Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận về khả năng hợp tác trong một số vấn đề song phương khác".