Đòn giáng mới của Trung Quốc và Brazil nhằm vào đồng USD

Trung Quốc và Brazil đang chuyển sang một nấc thang mới trong thương mại song phương, từ đó có thể đẩy đồng USD ra khỏi Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR).

Chú thích ảnh
Trung Quốc và Brazil ký một thỏa thuận thương mại giao dịch bằng đồng nội tệ của hai nước. Ảnh: AFP

Theo đài Spuntik, tại một diễn đàn kinh doanh cấp cao Trung Quốc - Brazil ở Bắc Kinh ngày 29/3 vừa qua, Trung Quốc và Brazil đã ký một thỏa thuận thương mại giao dịch bằng đồng nội tệ của hai nước này.

Hai bên sẽ thành lập một cơ chế thanh toán để tạo điều kiện giao dịch mà không sử dụng đồng USD và các khoản vay bằng đồng nội tệ. Điều này sẽ giúp các công ty thực hiện các giao dịch dễ dàng hơn và rẻ hơn. Thanh toán bằng nội tệ cũng sẽ giảm thiểu rủi ro tài chính trong các giao dịch thương mại do biến động tỷ giá hối đoái của đồng USD.

Trả lời Sputnik, Chen Fengying - một nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc – nhận định bất ổn trong hệ thống tài chính Mỹ là một trong những yếu tố chính thúc đẩy việc chuyển các khoản thanh toán sang đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng real của Brazil.

“Trước cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế hiện nay, nhiều quốc gia đang thực hiện các bước để đa dạng hóa giỏ tiền tệ. Tỷ giá hối đoái biến động chủ yếu do Cục Dữ trữ liên bang (Fed) tăng mạnh lãi suất. Điều này đang gây lo lắng cho thị trường do sự không chắc chắn của chính sách tiền tệ từ Mỹ. Trước đây, Trung Quốc và Brazil đều nằm trong khu vực đồng USD và ổn định thương mại song phương của hai nước phụ thuộc rất nhiều vào giá trị của đồng USD. Bất ổn hiện nay của tỷ giá đồng USD ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại và đầu tư song phương, từ đó gây bất lợi cho Trung Quốc và Brazil”, nhà phân tích Chen chỉ ra.

Brazil là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil sau khi vượt Mỹ vào năm 2009.

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thương mại song phương đạt 171,49 tỷ USD vào năm 2022, tăng 4,9% so với năm trước. Theo dữ liệu chính thức của Brazil, xuất khẩu của Brazil sang Trung Quốc đạt 89,43 tỷ USD vào năm 2022, tương đương 26,8% tổng xuất khẩu của nước này.

Việc chuyển đổi sang đồng nội tệ giao dịch sẽ thúc đẩy phát triển hợp tác giữa Trung Quốc và Brazil trong lĩnh vực thực phẩm và khoáng sản, đồng thời mở ra những cơ hội mới để xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng cao từ Trung Quốc sang Brazil và từ Brazil sang Trung Quốc. Đây là những lĩnh vực hợp tác hứa hẹn nhất được khẳng định tại Diễn đàn Doanh nghiệp Bắc Kinh.

Theo chuyên gia Chen, việc chuyển các khoản đầu tư sang nội tệ cũng sẽ mang lại những khoản lợi nhuận đáng kể. Brazil đã trở thành điểm đến đầu tư lớn nhất của Trung Quốc ở Mỹ Latinh.

Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 25 quốc gia, gồm cả Chile và Argentina, đã giao dịch với Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ. Mikhail Belyaev, một chuyên gia độc lập của Nga về các vấn đề tài chính và kinh tế, cho biết mô hình mà Brazil đang ứng dụng có thể khuyến khích các đối tác Trung Quốc khác trong khu vực chuyển sang thanh toán thương mại bằng tiền tệ quốc gia.

“Đây chắc chắn là một ví dụ điển hình cho các quốc gia khác thực hiện bước tương tự như Brazil. Toàn bộ Mỹ Latinh đang chịu ảnh hưởng khá mạnh của Mỹ, bao gồm cả ảnh hưởng tài chính. Brazil đang rời xa đồng USD vì tính ‘độc hại’ của đồng tiền này. Nếu USD 'độc hại' đối với Nga trong hôm này thì điều đó không có nghĩa là nó sẽ không 'độc hại' đối với Brazil hay bất kỳ quốc gia Mỹ Latinh nào khác vào ngày mai. Tình hình thực tế đóng vai trò là chất xúc tác để các quốc gia trong khu vực noi gương Brazil và phát triển các thỏa thuận thương mại với Trung Quốc bằng đồng tiền quốc gia của họ. Đồng thời, nó củng cố ảnh hưởng kinh tế và tài chính của Trung Quốc trong khu vực”, ông Mikhail giải thích.

Sau Argentina, Brazil là quốc gia Nam Mỹ thứ hai chuyển sang sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch thương mại với Trung Quốc. Đây là động lực mạnh mẽ cho hai thành viên khác trong khối là Uruguay và Paraguay làm theo, đặc biệt là khi Trung Quốc và Uruguay đang đàm phán một hiệp định thương mại tự do.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Sputnik)
Cựu Tổng thống Nga cảnh báo hậu quả thảm khốc chờ đón ‘lực lượng gìn giữ hoà bình’ EU
Cựu Tổng thống Nga cảnh báo hậu quả thảm khốc chờ đón ‘lực lượng gìn giữ hoà bình’ EU

Sau khi xuất hiện thông tin Liên minh châu Âu (EU) thảo luận về một số hình thức gìn giữ hoà bình ở Ukraine, cựu Tổng thống Liên bang Nga Dmitry Medvedev cảnh báo rằng điều duy nhất cần được làm rõ là liệu châu Âu đã sẵn sàng cho “một hàng dài quan tài” trở về từ Ukraine hay chưa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN