Đối thủ của Mỹ để mắt trữ lượng lithium nghìn tỉ USD của Afghanistan

Lầu Năm Góc ví Afghanistan là "Saudi Arabia của lithium". Giờ đây, các đối thủ của Mỹ cũng đang tìm cách khai thác nguồn dự trữ đáng thèm muốn đó.

Chú thích ảnh
Thợ mỏ làm việc tại một mỏ đá quý ở vùng núi cao xa xôi tỉnh Nurestan. Ảnh: Washington Post

Theo tờ Washington Post, nguồn kim loại lithium phục vụ sản xuất ô tô điện (EV) phong phú có thể thúc đẩy Taliban và các đối tác mới ngoài Mỹ.

Phóng viên Gerry Shih và nhiếp ảnh gia Lorenzo Tugnoli đã lái xe 15 giờ từ thủ đô Kabul của Afghanistan, dọc theo những con đường rải đầy đá cuội đến vùng đông bắc xa xôi của đất nước để khám phá ngành công nghiệp lithium của nước này. Sau đó họ đi bộ hai giờ lên núi để đến các hầm mỏ. Shih là trưởng văn phòng New Delhi của tờ Washington Post, chịu trách nhiệm đưa tin về phần lớn Nam Á, còn Tugnoli là nhiếp ảnh gia hợp đồng từng đoạt giải Pulitzer.

Chú thích ảnh
Thợ mỏ ăn trưa bên ngoài mỏ ở Thung lũng Parun, tỉnh Nurestan.

Sayed Wali Sajid đã trải qua nhiều năm chiến đấu với lính Mỹ trên những ngọn đồi cằn cỗi và những cánh đồng màu mỡ của Thung lũng sông Pech, một trong những chiến trường nguy hiểm nhất của cuộc nổi dậy kéo dài 20 năm. Nhưng không có gì khiến chỉ huy Taliban bối rối như làn sóng người nước ngoài mới bắt đầu xuất hiện vào cuối năm 2021.

Một lần, Sajid phát hiện một người nước ngoài đi bộ một mình dọc theo con đường nơi những kẻ cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) thường bắt cóc người nước ngoài. Một lần khác, năm người đàn ông và phụ nữ lẩn tránh binh sĩ của Sajid trong bóng tối để lùng sục khắp ngọn núi. Sajid nhớ lại, những người mới đến rất "ham chơi", kiên trì, gần như chỉ tập trung vào việc tìm kiếm một thứ mà ít người dân địa phương tin rằng có bất kỳ giá trị nào.

“Người Trung Quốc thật không thể tin được”, Sajid nói, cười khúc khích khi nhớ lại. “Lúc đầu, họ không cho chúng tôi biết họ muốn gì. Nhưng sau đó tôi nhìn thấy sự phấn khích trong mắt họ và sự háo hức của họ, và đó là lúc tôi hiểu từ 'lithium'.”

Chú thích ảnh
Chốt kiểm soát của Taliban ở lối vào quận Chapa Dara, tỉnh Konar.

Một thập kỷ trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã kết luận rằng khối lượng khổng lồ lithium và các khoáng chất khác trong lòng đất ở Afghanistan có thể trị giá 1 nghìn tỷ USD, quá đủ để chống đỡ cho chính phủ mong manh của đất nước. Trong một bản ghi nhớ năm 2010, Lực lượng Đặc nhiệm về Hoạt động Kinh doanh và Ổn định của Lầu Năm Góc, đã xem xét tiềm năng phát triển của Afghanistan, đã gọi quốc gia này là “Saudi Arabia của lithium”. Một năm sau, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ đã công bố một bản đồ cho thấy vị trí của các mỏ lớn và nhấn mạnh mức độ giàu có dưới lòng đất, cho biết Afghanistan “có thể được coi là nguồn cung cấp lithium chính trong tương lai của thế giới”.

Nhưng giờ đây, trong một bước ngoặt lớn của lịch sử Afghanistan hiện đại, chính Taliban - lực lượng đã lật đổ chính phủ do Mỹ hậu thuẫn hai năm trước - đang tìm cách khai thác trữ lượng lithium khổng lồ đó, vào thời điểm mà xe điện đang phổ biến trên toàn cầu, thúc đẩy nhu cầu cấp thiết đối với khoáng chất lithium để chế tạo pin. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, đến năm 2040, nhu cầu về lithium có thể tăng gấp 40 lần so với mức năm 2020.

Afghanistan vẫn chịu áp lực quốc tế mạnh mẽ - bị cô lập về chính trị và gánh chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và đa phương vì những lo ngại về nhân quyền, khủng bố. Tuy nhiên, tiềm năng to lớn của lithium có thể làm thất bại những nỗ lực của phương Tây nhằm ép Taliban thay đổi đường lối cực đoan. Và với việc Mỹ vắng mặt ở Afghanistan, chính các công ty Trung Quốc hiện đang tích cực định vị mình trong nỗ lực gặt hái vận may từ lithium. Khi làm như vậy, Trung Quốc sẽ thắt chặt hơn nữa sự kiểm soát của mình đối với phần lớn chuỗi cung ứng khoáng sản EV toàn cầu.

Nhu cầu ngày càng tăng đối với lithium là một phần của cuộc tranh giành trên toàn thế giới đối với nhiều loại kim loại được sử dụng trong sản xuất xe điện. Nhưng việc khai thác và chế biến các khoáng sản như niken, coban và mangan thường dẫn đến những hậu quả không lường trước được, như gây hại cho người lao động, cộng đồng xung quanh và môi trường. Ở Afghanistan, những hậu quả đó còn có thể là về mặt địa chính trị: tiềm năng làm giàu của lực lượng Taliban và một thế đứng khác cho Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh chiến lược khốc liệt.

Chú thích ảnh
Sayed Wali Sajid, chỉ huy Taliban hiện làm quận trưởng quận Chapa Dara, giàu khoáng sản ở tỉnh Konar. 

Vào khoảng thời gian Kabul rơi vào tay Taliban vào tháng 8/2021, một sự bùng nổ đã làm rung chuyển thị trường lithium trên thế giới. Giá khoáng sản tăng vọt gấp 8 lần từ năm 2021 đến năm 2022, thu hút hàng trăm doanh nhân khai thác mỏ Trung Quốc đến Afghanistan.

Trong các cuộc phỏng vấn, các quan chức Taliban, doanh nhân Trung Quốc và những người trung gian Afghanistan đã mô tả một cơn sốt điên cuồng gợi nhớ đến cơn sốt vàng thế kỷ 19. Các thương nhân Trung Quốc từ khắp thế giới chen chúc trong các khách sạn ở Kabul, chạy đua để tìm nguồn cung cấp lithium ở các vùng nội địa. Các giám đốc điều hành Trung Quốc đã đệ đơn tham gia các cuộc họp với giới lãnh đạo Taliban, nhằm giành quyền thăm dò.

Chú thích ảnh
Công nhân thu thập phế liệu để sản xuất thép tại một nhà máy thép thuộc sở hữu của người Trung Quốc ở Kabul. Ảnh: Washington Post

Các nhà lãnh đạo Taliban đã tạm dừng khai thác và kinh doanh lithium trong những tháng gần đây trong khi họ tìm cách đàm phán với một công ty nước ngoài, và người Trung Quốc được coi là ứng viên hàng đầu. Nhưng ngay cả sau khi hợp đồng được trao, việc khai thác có thể không bắt đầu trong nhiều năm do thách thức đưa lithium ra thị trường. Không có con đường trải nhựa nào nối các ngọn núi hiểm trở, giàu khoáng sản ở tỉnh Konar và Nurestan phía đông bắc Afghanistan với thế giới bên ngoài.

Nhớ lại những năm 1960, các nhà địa chất Liên Xô lần đầu tiên báo cáo về các mỏ lithium đáng kể trong khối đá lớn có viền tinh thể được gọi là pegmatit dọc theo dãy Hindu Kush. Sau khi Mỹ đưa quân vào Afghanistan, các nhóm Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ làm việc như một phần của lực lượng đặc nhiệm Lầu Năm Góc đã mạo hiểm dưới sự hộ tống của Thủy quân lục chiến tới các hồ muối ở miền nam Afghanistan, nơi họ tìm thấy hàm lượng lithium cao đến mức có thể cạnh tranh với các mỏ của Chile và Argentina, những nhà sản xuất lithium lớn nhất thế giới.

Nhưng đến ngày nay, quy mô chính xác của trữ lượng lithium của Afghanistan vẫn chưa được xác định.

“Là một nhà địa chất, tôi chưa bao giờ thấy bất cứ nơi nào giống như Afghanistan", Wnuk, người hiện đang làm việc trong các dự án khai thác của khu vực tư nhân ở châu Á và châu Phi, cho biết. “Đó rất có thể là nơi có nhiều khoáng chất nhất trên trái đất. Nhưng công việc địa chất cơ bản vẫn chưa được thực hiện.”

Ngay cả khi những ngọn núi của Afghanistan được chứng minh là có chứa lithium chất lượng cao, thì việc khai thác chỉ khả thi nếu những con đường, đường sắt, nhà máy chế biến quặng và nhà máy điện mới được xây dựng xung quanh chúng.

Nhưng điều này không thành vấn đề, các chiến lược gia của Trung Quốc nói.

“Afghanistan thiếu cơ sở công nghiệp, nhưng họ có tài nguyên khoáng sản lớn và không người phương Tây nào có thể cạnh tranh với người Trung Quốc về xây dựng cơ sở hạ tầng và chịu đựng khó khăn", Zhou Bo, một đại tá cấp cao của Quân đội Giải phóng Nhân dân đã nghỉ hưu, hiện là chuyên gia an ninh quốc tế tại Đại học Thanh Hoa, cho biết.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Washington Post)
Thách thức lớn nhất trong cuộc đua sản xuất lithium toàn cầu
Thách thức lớn nhất trong cuộc đua sản xuất lithium toàn cầu

Thiếu khả năng khai thác trở thành thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối mặt trong việc đáp ứng nhu cầu bùng nổ đối với lithium – một nguyên tố then chốt trong sản xuất pin điện tử và các sản phẩm chuyển đổi xanh khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN