Những trường hợp nhiễm chì mức 6,7
milligam/decilitre (mg/dl) chiếm 37% số ca tử vong sớm.
|
Nhóm nhà khoa học trường Đại học Simon Fraser ở Canada đã thu thập mẫu máu để phân tích mức phơi nhiễm chì của 14.000 người trưởng thành tại Mỹ trong giai đoạn 1990-2011. Qua đó nhận thấy so với những người có thành phần máu nhiễm rất ít hoặc không nhiễm chì, những trường hợp nhiễm kim loại này ở mức cao - ít nhất là 6,7 milligam/decilitre (mg/dl) - chiếm tới 37% trong tổng số ca tử vong sớm. Nguy cơ tử vong do bệnh mạch vành cũng cao gấp đôi ở những người nhiễm chì trong máu.
Khoảng 18% người tham gia nghiên cứu qua đời vì nhiều nguyên nhân trong giai đoạn 1990-2011 đều nhiễm trên 1 mg/dl chì trong máu. Tác giả nghiên cứu, giáo sư Bruce Lanphear thuộc Đại học Simon Fraser cho rằng gần 30% số ca tử vong vì tim mạch, chủ yếu là nhồi máu cơ tim và đột quỵ, "có thể xuất phát từ nguyên nhân cốt lõi là nhiễm độc chì", song tác nhân này ít được chú ý tới.
Chì là kim loại nặng tồn dư trong cơ thể người rất nhiều năm. Trên thực tế, nghiên cứu chỉ ra rằng kim loại này không thể đào thải đối với gần 1/10 trường hợp tình nguyện tham gia thử máu (khoảng 1.400 người). Thậm chí, có tới 1/5 trên tổng số người tham gia hoạt động này tồn dư ít nhất 5 mg/dl chì trong tĩnh mạch, cao gấp 10 lần so với ngưỡng an toàn. Với kết quả trên, nghiên cứu đã bác bỏ giả định các chất độc định hình như chì vẫn có "ngưỡng an toàn".
Giáo sư Lanphear cùng nhóm nghiên cứu kêu gọi các quốc gia trên thế giới cần thực thi nhiều biện pháp nghiêm ngặt hơn nữa nhằm khuyến khích mở rộng các không gian sống xanh, không nhiễm chì; loại bỏ các nhiên liệu động cơ chứa chì; thay thế các thanh chì trong hoạt động hàn và giảm thiểu phát thải khí từ các lò nấu kim loại cũng như các xưởng sản xuất pin.
Trên thực tế, con người có thể bị phơi nhiễm chì qua xăng dầu, tranh vẽ... cũng như xung quanh các khu nấu quặng hoặc qua việc tiếp xúc với các viên pin chứa chì. Việc nhiễm độc chì cũng có thể xảy ra qua đường nước uống, cũng như qua thực phẩm được bảo quản trong các vật đựng có chứa chì. Tuy nhiên, các quy định về an toàn trong nhiều thập kỷ gần đây, đặc biệt tại các quốc gia phát triển, lại đánh giá thấp đáng kể nguy cơ phơi nhiễm chì.