SCA cho hay số lượng tàu quá cảnh qua Kênh đào Suez trong năm ngoái cũng ghi nhận mức kỷ lục 23.851 lượt tàu, với tổng khối lượng hàng hóa đạt mức cao nhất từ trước tới nay là 1,4 tỷ tấn. SCA cũng đã công bố biểu đồ so sánh số liệu thống kê của Kênh đào Suez giữa giai đoạn 2008-2014 và giai đoạn 2016-2022. Đây là hai giai đoạn trước và sau khi khánh thành dự án thiết lập luồng kênh mới song song so với luồng kênh ban đầu trên Kênh đào Suez.
Các số liệu của SCA cho thấy số lượng tàu thuyền di chuyển qua tuyến hàng hải quan trọng này trong giai đoạn 2016-2022 đã tăng 8% so với giai đoạn 2008-2014. Khoảng 8,2 tỷ tấn hàng hóa đã được vận chuyển qua Kênh đào Suez trong giai đoạn 2016-2022, tăng 32% so với giai đoạn từ năm 2008-2014. Tổng doanh thu của Kênh đào Suez đạt 41,7 tỷ USD trong 7 năm kể từ khi luồng kênh mới song song đi vào hoạt động, tăng đáng kể từ mức 35,4 tỷ USD của giai đoạn 2008-2014.
SCA cho biết thêm doanh thu của Kênh đào Suez trong năm 2022 tăng 2,5 tỷ USD với năm 2014. Số lượng tàu trung bình qua lại hàng ngày qua tuyến đường biển dài hơn 190 km này trong năm 2022 là 68 tàu, so với 47 tàu ghi nhận vào năm 2014. Độ sâu của Kênh đào Suez cũng tăng thêm 24 mét để có thể tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của kênh đào với các tuyến hàng hải khác và giảm thời gian di chuyển từ 22 giờ xuống còn 11 giờ.
Ai Cập hiện đang triển khai dự án mở rộng và nâng cấp Kênh đào Suez bằng cách kéo dài đoạn lưu thông hai chiều từ 75km lên 85km, đồng thời mở rộng và đào sâu thêm cho đoạn dài 30km khác ở phía Nam tuyến đường thủy này. Dự án gồm hai giai đoạn, với giai đoạn 1, Ai Cập tiến hành kéo dài thêm 10km cho đoạn lưu thông hai chiều từ 75km lên 85km. Còn trong giai đoạn 2, đoạn dài 30km ở phía Nam Kênh đào Suez sẽ được mở rộng thêm 40m về phía bờ Đông của luồng kênh và được đào sâu thêm 1,83m. Dự án sẽ được hoàn thành vào tháng 6/2023 sau hai năm triển khai thi công.
Là tuyến đường thủy quan trọng nối liền Địa Trung Hải và Biển Đỏ, Kênh đào Suez chiếm khoảng 12% khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển của thế giới và là một trong những nguồn thu ngoại tệ chủ chốt của Ai Cập.