Viên tướng phụ trách các hoạt động tác chiến của Hải quân Mỹ,
Đô đốc Jonathan Greenert ngày 19/5 khẳng định sự hiện diện ngày càng gia
tăng của Hải quân Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương bắt đầu mang lại
hiệu quả, góp phần định hình và xoay chuyển được các sự kiện, diễn biến
trong khu vực. Tuy nhiên, Đô đốc Greenert thừa nhận hiệu quả của sự gia
tăng hiện diện của Hải quân Mỹ trong khu vực này cần phải có thêm thời
gian và đây là một nỗ lực lâu dài.
Phát biểu tại Trung tâm
nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, Tham mưu
trưởng Hải quân Mỹ-Đô đốc Jonathan Greenert cho biết, một trong những
hiệu quả nhìn thấy từ sự hiện diện gia tăng của Hải quân Mỹ là các cuộc
đối thoại giữa quân đội Mỹ với quân đội Trung Quốc đang mang lại kết
quả, nhất là tại Biển Đông. Cụ thể, theo vị Đô đốc này, Trung Quốc hồi
tháng trước đã cùng với Mỹ chấp nhận Bộ quy tắc về những vụ chạm trán
ngoài kế hoạch trên biển (CUES) tại một hội nghị ở Thanh Đảo.
Trong chuyến công du châu Á hồi tháng trước của Tổng thống Barack
Obama, Mỹ đã ký thỏa thuận tăng cường hợp tác an ninh và quân sự (SOFA)
thời hạn 10 năm với Philippines. Hải quân Mỹ cũng đã đề nghị Việt Nam
cho phép tầu chiến Mỹ thăm các hải cảng Việt Nam nhiều hơn và đang chờ
đợi sự hợp tác một cách tích cực hơn từ phía Hà Nội. Ngoài ra, Đô đốc
Greenert cũng cho biết Hải quân Mỹ hy vọng có thể mở rộng hợp tác với Ấn
Độ một khi chính phủ mới ở Ấn Độ lên nắm quyền.
Về bố trí
binh lực, với sự chuyển dịch chiến lược sang châu Á-Thái Bình Dương,
hiện nay Hải quân Mỹ có 51 chiến hạm trong tổng số 289 chiếc đang hiện
diện ở châu Á-Thái Bình Dương và con số này sẽ tăng lên 58 chiếc trong
năm tới và 67 chiếc trước năm 2020.
TTXVN/Tin Tức