Hành khách đọc bảng thông báo tại nhà ga tàu hỏa Gare Montparnasse ở thủ đô Paris, Pháp ngày 31/5 trong thời gian đình công của nhân viên ngành đường sắt. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khi đó, công nhân hoạt động trong lĩnh vực năng lượng cùng các phi công của hãng hàng không Air France cũng đang rục rịch chuẩn bị đình công.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trong ngày 6/6 đã diễn ra những cuộc đàm phán giữa hai tổ chức công đoàn là CGT-Cheminots và SUD-Rail với lãnh đạo Công ty Đường sắt quốc gia (SNCF) về thời gian làm việc của công nhân. Bên ngoài phòng đàm phán, khoảng 1.000 công nhân biểu tình nhằm phản đối dự luật cải cách lao động đồng thời yêu cầu mở một cuộc đàm phán mới về cước phí vận chuyển hành khách đối với các công ty đường sắt nhà nước cũng như tư nhân. Trong ngày 7/6, hoạt động của các hệ thống tàu cao tốc, tàu liên tỉnh hay tàu quốc tế đều bị ảnh hưởng khi chỉ có trung bình khoảng 50% tàu hoạt động.
Trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng, hàng không, giao thông công cộng, bầu không khí căng thẳng tiếp tục lan rộng. Các tổ chức công đoàn kêu gọi công nhân năng lượng tổ chức cuộc đình công mới vào ngày 9/6 trong khi phi công của hãng Air France đã lên kế hoạch đình công vào các ngày 11 và 14/6 nhằm phản đối việc thay đổi các quy định chi trả thu nhập.
Liên hiệp các tổ chức công đoàn gồm CGT, FO, FSU, Solidaires, UNEF, UNL, FIDL đã kêu gọi tổ chức “Ngày hành động” vào ngày 14/6 sắp tới nhằm phản đối dự luật cải cách lao động. Hồi cuối tháng 5, các cuộc đình công tại nhiều cơ sở lọc dầu dẫn đến cuộc khủng hoảng nhiên liệu tại Pháp khiến chính phủ phải huy động nguồn dầu mỏ dự trữ chiến lược để bù vào phần năng lượng bị thiếu hụt.
Cho đến nay, các cuộc đình công tại các nhà máy lọc dầu đã chấm dứt. Tuy nhiên, cơ sở lọc dầu tại Donges thuộc tỉnh Loire-Atlantique tiếp tục bị phong tỏa bởi các công nhân thuộc tổ chức công đoàn CGT.
Thăm dò dư luận cho thấy 54 % người Pháp tỏ ra mệt mỏi và phản đối làn sóng đình công, biểu tình hiện nay. Mặc dù vấp phải sự phản đối quyết liệt và thái độ cứng rắn của các tổ chức công đoàn, Chính phủ Pháp vẫn kiên quyết không rút lại dự luật cải cách lao động vì cho rằng những biện pháp này giúp giải quyết tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức trên 10% tại quốc gia này.
Sự đối đầu quyết liệt đó đã dẫn đến bầu không khí xã hội căng thẳng đe dọa tác động tiêu cực tới việc tổ chức Vòng chung kết Giải Vô địch bóng đá châu Âu EURO 2016.