Đình công cản trở hoạt động của TotalEnergies tại Pháp

Việc vận chuyển các sản phẩm từ các cơ sở lọc dầu chính của tập đoàn dầu khí TotalEnergies tại Pháp đã bị ngưng trệ trong ngày 20/3 khi cuộc đình công ở các cơ sở này đã bước sang ngày thứ 13. Một số cơ sở lọc dầu đã phải giảm công suất hoạt động. 

Chú thích ảnh
Tuần hành trong cuộc đình công trên toàn quốc, phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của Chính phủ, tại Paris, ngày 16/2/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo người phát ngôn của TotalEnergies, tập đoàn đã giảm hoạt động sản xuất tại các nhà máy lọc dầu Normandy và Feyzin do vận tải ngưng trệ, trong khi việc vận chuyển tại hai nhà máy là Donges và La Mede cũng đang bị đóng băng. Người phát ngôn trên nêu rõ ưu tiên của tập đoàn tại nhà máy Normandy là duy trì sự an toàn, nên một số cơ sở đã được lệnh dừng hoạt động nếu cần. Tuy nhiên, một số cơ sở vẫn hoạt động bình thường. 

Thống kê cho thấy khoảng 39% số lao động làm việc tại các nhà máy lọc dầu và kho hàng của TotalEnergies đã tham gia đình công trong ngày 20/3. Cuộc đình công này diễn ra trong bối cảnh nước Pháp đang đương đầu với làn sóng biểu tình sau khi chính phủ áp dụng dự luật cải cách hưu trí gây tranh cãi mà không cần Hạ viện bỏ phiếu thông qua.

Trước đó, hôm 16/3, Chính phủ Pháp đã kích hoạt một quyền hành pháp đặc biệt cho phép ban hành sắc lệnh áp dụng dự luật mà không cần  sự phê chuẩn của Hạ viện. Động thái trên đã vấp phải sự phản đối và dẫn tới nhiều cuộc biểu tình, đặt ra một trong những thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Emmanuel Macron sau chưa đầy một năm đảm nhận nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. 

Cải cách hưu trí đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi, yêu cầu người lao động kéo dài thời gian làm việc để nhận được đầy đủ lương hưu. Chính phủ Pháp khẳng định cải cách hưu trí là cần thiết để tránh đẩy hệ thống lương hưu trượt sâu vào tình trạng thâm hụt, đưa độ tuổi nghỉ hưu tại Pháp lên mức tương ứng với các nước láng giềng ở châu Âu. Tổng thống Macron đã coi đây là trọng tâm chiến dịch tái tranh cử năm 2022. Tuy nhiên, đảng cầm quyền của vị tổng thống 45 tuổi đã mất thế đa số tại Quốc hội sau cuộc bầu cử hồi tháng 6/2022. Vì vậy, Chính phủ Pháp đã viện tới điều khoản 49.3 trong Hiến pháp để thúc đẩy dự luật do lo ngại không đủ phiếu ủng hộ tại Hạ viện.

Trong khi đó, cùng ngày, nghiệp đoàn Unite của Anh cho biết khoảng 1.400 lao động làm việc trên các giàn khoan dầu ngoài khơi của các công ty dầu khí lớn đang chuẩn bị đình công trong nhiều tuần. Cụ thể, theo Unite, cuộc đình công lần này sẽ ảnh hưởng tới các tập đoàn dầu khí lớn gồm BP, CNRI, EnQuest, Harbour, Ithaca, Shell và Total.

Thúc Anh (TTXVN)
Hàng trăm nghìn người đình công tại Anh
Hàng trăm nghìn người đình công tại Anh

Ngày 15/3, nhiều giáo viên, người lái tàu điện ngầm và viên chức đã cùng với các bác sĩ tham gia cuộc tổng đình công trong bối cảnh Bộ Tài chính Anh sắp công bố kế hoạch về thuế và ngân sách chi tiêu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN