Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, hơn 30,8 triệu ha rừng đã bị thiêu rụi tại Brazil trong năm vừa qua, tăng đáng kể so với 17,2 triệu ha năm 2023 và trở thành khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do cháy rừng kể từ năm 2019. Tình trạng hạn hán kỷ lục trong năm 2024 do tác động của hiện tượng thời tiết El Nino kéo dài từ năm 2023 là nguyên nhân chủ yếu khiến tình trạng cháy rừng gia tăng.
MapBiomas cho biết cứ 4 ha bị cháy thì có 3 ha là thảm thực vật bản địa, chủ yếu ở các khu rừng rậm. Chỉ riêng ở khu vực Amazon, 17,9 triệu ha rừng đã bị cháy, tương ứng với hơn một nửa diện tích rừng bị lửa thiêu trên cả nước. Bang bị ảnh hưởng nhiều nhất ở Brazil do cháy rừng là Pará ở phía Bắc với 7,3 triệu ha, tiếp theo là Mato Grosso và Tocantins ở trung tâm phía Tây với 6,8 và 2,7 triệu ha.
Theo điều phối viên của MapBiomas, Ane Alencar, năm 2024 là một năm bất thường và đáng báo động. Những tác động của sự tàn phá này cho thấy tính cấp thiết của việc cần có sự phối hợp hành động cũng như cam kết ở mọi cấp độ và của nhiều quốc gia, nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng môi trường ngày càng trở nên trầm trọng hơn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính gây nên hạn hán kỷ lục ở rừng rậm nhiệt đới Amazon, làm cạn kiệt các dòng sông và làm gián đoạn cuộc sống của hàng triệu người trong khu vực. Bảo vệ Amazon, khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, được coi là nhiệm vụ vô cùng quan trọng để hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu.
Mặc dù khu vực này đã phải đối mặt với ít nhất 3 đợt hạn hán dữ dội trong 20 năm qua, nhưng quy mô của đợt hạn hán trong năm 2024 chưa từng có tiền lệ và ảnh hưởng đến toàn bộ lưu vực sông Amazon.