Trong một thông cáo báo chí, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết tại diễn đàn, hơn 770 cam kết hỗ trợ tài chính đã được đưa ra. Bên cạnh đó, các đại diện tham dự cũng cam kết giúp người tị nạn có nhiều cơ hội hơn trong tiếp cận với việc làm, giáo dục, cơ sở hạ tầng, đồng thời hỗ trợ tích cực hơn cho các cộng đồng và quốc gia tiếp nhận người tị nạn.
Theo UNHCR, lĩnh vực tư nhân đưa ra nhiều cam kết nhất từ trước tới nay, trong đó có những sáng kiến và quỹ tài trợ để tạo ít nhất 15.000 việc làm cho người tị nạn, cũng như tư vấn pháp lý khoảng 125.000 giờ/năm vì lợi ích cộng đồng. UNHCR cho biết trước diễn đàn, cơ quan này đã nhận được một số cam kết tài chính, trong đó có hơn 4,7 tỷ USD của Nhóm Ngân hàng Thế giới và 1 tỷ USD của Ngân hàng Phát triển liên Mỹ. Nhiều chính phủ và thực thể khác cũng cùng cam kết hỗ trợ 2 tỷ USD cho người tị nạn và các cộng đồng tiếp nhận người tị nạn.
Người đứng đầu UNHCR, ông Filippo Grandi đánh giá tại diễn đàn trên đã chứng kiến "sự thay đổi mang tính quyết định" về cách tiếp cận, thể hiện tầm nhìn dài hạn hơn trong vấn đề trợ giúp người tị nạn. Ông nhấn mạnh: "Vấn đề người tị nạn chỉ khủng hoảng khi chúng ta để cho tình hình diễn biến thành khủng hoảng, với tư duy ngắn hạn, không có kế hoạch hoặc không phối hợp hành động giữa các khu vực, và bỏ mặc các cộng đồng mà người tị nạn đến sinh sống".
Diễn đàn người tị nạn toàn cầu do UNHCR và Thụy Sĩ chủ trì diễn ra trong 3 ngày, với sự tham dự của khoảng 3.000 đại diện gồm các lãnh đạo, quan chức chính phủ, tổ chức tài chính quốc tế, lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức xã hội dân sự, người tị nạn… Đây là lần đầu tiên sự kiện như trên được tổ chức nhằm thay đổi cách thế giới ứng phó với vấn đề người tị nạn.
Diễn đàn trên diễn ra đúng một năm sau khi Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) thông qua cơ chế nhằm đảm bảo cách tiếp cận công bằng trong việc hỗ trợ người tị nạn và những cộng đồng tiếp nhận người di cư. Ước tính vào cuối năm 2018, gần 71 triệu người đã buộc phải di tản do chiến tranh, bạo lực và ngược đãi, trong đó gần 26 triệu người đã vượt biên giới tị nạn. Theo thống kê, 80% người tị nạn trên thế giới đang sống tại các nước nghèo và các nước đang phát triển, trong khi những nước này phải tự chịu gánh nặng về kinh tế và xã hội, do đó việc chia sẻ trách nhiệm là vấn đề ưu tiên trong các chương trình nghị sự.