Kết quả của EEF 2018 đã chứng minh sức ảnh hưởng ngày càng lan rộng của sự kiện này, cũng như sự quan tâm của giới kinh doanh Nga và quốc tế đối với các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khu vực Viễn Đông và Siberia rộng lớn của Nga. Quan trọng hơn, đây còn là diễn đàn để "hiện thực hóa" các triển vọng hợp tác giữa các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tạo môi trường đối thoại tích cực, từ đó thúc đẩy quan hệ giữa các nước.
Thành công của diễn đàn năm nay không chỉ từ việc mở rộng đáng kể về quy mô, khoảng 60 quốc gia cử đoàn đại biểu tham dự với khoảng 6.000 người, ký kết 220 thỏa thuận đạt giá trị kỷ lục 3.100 tỷ ruble (khoảng 47 tỷ USD), tăng mạnh so với EEF 2017 (35 tỷ USD), mà còn từ khía cạnh chính trị với những cuộc gặp có vai trò quan trọng trong cục diện khu vực và các vấn đề quốc tế. Có thể nói cơ hội từ EEF không chỉ là đầu tư hay kinh tế, mà còn vươn tầm ra các mối quan hệ ngoại giao, hợp tác an ninh hay duy trì các mối quan hệ chiến lược.
Lên kế hoạch hơn 50 hoạt động, song trong thực tế diễn đàn đã chứng kiến trên 100 hoạt động gồm thảo luận, trao đổi, gặp gỡ, bàn tròn, tranh luận trực tiếp...
Sự kiện trọng tâm của diễn đàn năm nay là phiên họp toàn thể có sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mông Cổ Khaltmaagiin Battulga, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yeon, được đánh giá là sự kiện có đông lãnh đạo cao cấp tầm quốc gia nhất trong lịch sử diễn đàn. Điều này rất có ý nghĩa với nước chủ nhà Nga khi đang phải chịu các biện pháp trừng phạt và cô lập của Mỹ và phương Tây.
Diễn đàn thu hút chú ý khi còn chưa khai mạc chính thức với chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Nga, đồng thời cũng là lần thứ 3 liên tiếp ông Abe tham gia EEF. Đây được coi như một cú hích cần thiết cho mối quan hệ giữa Tokyo và Moskva, vốn đang gặp những vướng mắc khó tháo gỡ liên quan đến tranh chấp lãnh thổ. Và cú hích đó dường như đã đạt hiệu ứng ngay tức thời khi Tổng thống Nga đề xuất sớm ký với Nhật Bản hiệp ước hòa bình vốn “sa lầy” suốt 70 năm nay.
Từ đề xuất đến nhất trí còn khoảng cách không nhỏ, song động thái trên đã thúc đẩy mạnh và cụ thể hơn hy vọng về một cơ sở pháp lý cho quan hệ hai nước và phát triển nó trong tương lai. Hơn thế nữa, nó cũng cho thấy cách tiếp cận của hai bên, thông qua việc thúc đẩy các hoạt động kinh tế chung tại quần đảo tranh chấp lãnh thổ để xây dựng lòng tin, là một hướng đi đúng.
Diễn đàn lần này cũng tạo cơ hội làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai đối tác Nga và Trung Quốc. Tổng thống Putin định nghĩa quan hệ Nga và Trung Quốc là tin cậy trong lĩnh vực chính trị, an ninh và quốc phòng. Một kế hoạch hợp tác trong đầu tư giai đoạn 2018-2024 đã được hai bên ký kết, nhất trí tăng thương mại song phương lên 100 tỷ USD trong năm 2018.
Đặc biệt, Nga và Trung Quốc tuyên bố sẽ sử dụng các đồng nội tệ thường xuyên hơn trong các thỏa thuận thương mại, giảm thiểu sử dụng đồng tiền Mỹ, một động thái đáp trả công khai với cuộc chiến thương mại mà Washington đang tiến hành với Bắc Kinh và chính sách án phạt đối với Moskva.
EEF cũng được giới phân tích gắn với bối cảnh cuộc tập trận “Vostok-2018” lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh có cả Nga và Trung Quốc tham gia. Cuộc tập trận chung được cho là thể hiện thái độ đoàn kết của Nga và Trung Quốc nhằm đối phó với sức ép từ các đối thủ tiềm tàng của mỗi nước: Mỹ trong trường hợp của Bắc Kinh, cũng như Mỹ và Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong trường hợp của Moskva.
Quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc vốn gai góc cũng có bước chuyển tích cực sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề EEF, khi hai bên nhất trí cải thiện quan hệ song phương để cùng nhau phát triển và thịnh vượng. Trước mắt sẽ là những bước đi chuẩn bị cho kế hoạch tổ chức chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc tới Nhật Bản vào tháng 10 tới, sự kiện có thể là chất xúc tác cho những đột phá trong tương lai.
Cũng thông qua một loạt cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản bên lề EEF, cơ hội thúc đẩy hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng có thêm đòn bẩy với những cam kết phối hợp chặt chẽ giữa các nước. Diễn đàn Kinh tế phương Đông qua đó có ý nghĩa chính trị rõ rệt, đồng thời cũng cho thấy hiệu quả và vai trò của các cuộc tiếp xúc và đối thoại quốc tế tại đây.
Sự có mặt của các công ty châu Âu và Mỹ tại EEF năm nay có thể coi là điểm nhấn. Như lời Đại sứ Pháp tại Nga Sylvie Bermann, tại EEF, Pháp không chỉ tìm thấy cơ hội hợp tác với Nga mà còn có thể phát triển quan hệ với các nước châu Á - Thái Bình Dương, bởi EEF đã tạo nền tảng lý tưởng cho các mối quan hệ cùng có lợi. Vì vậy, Pháp sẽ đẩy mạnh đầu tư vào Nga trong những năm tới, với động lực thúc đẩy là kết quả tốt đẹp của mối quan hệ thương mại hai nước thời gian qua. Kim ngạch thương mại Nga - Pháp năm ngoái tăng 25%, trở thành "điểm sáng" trong bối cảnh Nga vẫn phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Việt Nam cũng tích cực tham gia vào sự kiện tầm cỡ này của khu vực. Các tham luận của Việt Nam đóng góp cho EEF tuy chưa nhiều, song cụ thể về đề tài và thực tiễn về nội dung. Bằng việc duy trì sự hiện diện của mình trong các sự kiện lớn liên quan đến khu vực, tìm kiếm cơ hội để thúc đẩy lợi ích của mình ở Viễn Đông nói riêng và trên toàn thị trường Nga nói chung, Việt Nam không chỉ trở thành đối tác quan trọng của Nga mà còn được Moskva coi là "cửa ngõ" tiến vào vào khu vực Đông Nam Á.
Có thể nói EEF đã và đang khẳng định vai trò là cầu nối chủ chốt đưa Nga gắn kết với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời cũng là cầu nối giữa các nước ở khu vực với nhau, không chỉ về hợp tác kinh tế mà còn giúp giải quyết những vướng mắc về chính trị, an ninh. Thành công của EEF năm nay càng tạo đà và mở ra những cơ hội mới thúc đẩy đối thoại và hợp tác cùng có lợi ở khu vực trong tương lai.