Mối đe dọa chủ nghĩa bảo hộ
Tỷ phú Donald Trump đã đắc cử Tổng thống thứ 45 của Mỹ bất chấp một loạt tuyên bố gây tranh cãi, đặc biệt liên quan đến thương mại, khiến nhiều chính phủ trên thế giới lo ngại. Khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Trump được cho là sẽ tạo điều kiện cho sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa biệt lập nhằm gia tăng sức mạnh tổng hợp của Mỹ. Và ngay sau khi nhậm chức, ông Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một quyết định gây sốc bởi văn kiện này vốn là tia hy vọng trong bối cảnh hoạt động thương mại thế giới ảm đạm và tăng trưởng toàn cầu yếu.
Toàn cảnh phiên họp toàn thể Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2017. |
Ông còn yêu cầu xem xét lại Thỏa thuận Thương mại Tự do khu vực Bắc Mỹ (NAFTA), muốn thảo luận lại một số quan hệ thương mại, trong đó có hai đối tác quan trọng là Đức và Trung Quốc, hai nước đang có kim ngạch xuất siêu sang Mỹ. Trong quá trình tìm cách giảm bớt tình trạng thâm hụt thương mại nghiêm trọng, chính quyền Trump đã đề xuất một loạt biện pháp bảo hộ, làm gia tăng những bất trắc trong thương mại toàn cầu.
Những diễn biến trên cho thấy trật tự quản lý thế giới trong suốt 70 năm qua bắt đầu bị đảo lộn. Các thể chế, quy tắc và chuẩn mực quốc tế giờ đây bị bao quanh bởi sự bất ổn nghiêm trọng do những "cơn gió ngược" chống toàn cầu hóa.
Trong khi đó, nền kinh tế thứ hai thế giới (Trung Quốc), nơi vốn được xem là hưởng lợi từ thương mại tự do, cũng đang theo đuổi chính sách thúc đẩy xuất khẩu càng nhiều càng tốt và giảm triệt để nhập khẩu bằng những biện pháp mà chính quyền mới ở Mỹ cáo buộc là bảo hộ trá hình. Tại châu Âu, Vương quốc Anh kiên quyết rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và tiến hành đàm phán lại toàn bộ những quy chế thương mại với châu Âu, cũng xuất phát từ cái gọi là chủ nghĩa dân túy.
Những tín hiệu xấu trên quy mô lớn hơn đã xuất hiện tại cuộc họp G20 vừa qua: Việc Mỹ từ chối tái khẳng định cam kết dành cho thương mại mở và tự do khiến tuyên bố chung của hội nghị lần đầu tiên không đề cập trực tiếp tới toàn cầu hóa, làm dấy lên lo ngại về những hậu quả khôn lường đối với thương mại toàn cầu trong thời gian tới. Dường như các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế lớn nhất thế giới không còn đặt nhiều niềm tin vào hiệu quả của tự do thương mại. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thừa nhận những thách thức đã hiện rõ khi thể chế này rơi vào tình thế khó khăn nhất từ trước tới nay. Thêm vào đó là lời đe dọa của Mỹ rút tư cách thành viên WTO, đồng nghĩa với phớt lờ mọi quy định.
Thể hiện quyết tâm cần thiết
Trong bối cảnh đó, BFA 2017 tại Trung Quốc là cơ hội để các nước tái khẳng định quyết tâm theo đuổi toàn cầu hóa. Quyết tâm này thể hiện ngay từ việc lựa chọn chủ đề “Toàn cầu hóa và thương mại tự do: Tương lai của châu Á" tới tuyên bố chung sau hội nghị. Tất cả đã thể hiện sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nền kinh tế châu Á, đối với toàn cầu hóa. Tuyên bố nhấn mạnh thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế với mục tiêu tăng cường hợp tác và trao đổi kinh tế giữa các nước trong khu vực châu Á nói riêng và với nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới.
Tuyên bố đưa ra 6 đề xướng, kêu gọi chính phủ các nước thông qua tăng cường đối thoại và hợp tác để cải cách và hoàn thiện trật tự kinh tế quốc tế, cũng như hệ thống xử lý vấn đề toàn cầu dựa trên nguyên tắc bảo đảm công bằng về nghĩa vụ, quyền lợi và chủ quyền kinh tế; chung sức phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại; cùng kiên trì và tiếp tục thúc đẩy tự do hóa đầu tư thương mại; đồng thời không ngừng cải cách và hoàn thiện cơ chế đầu tư thương mại đa phương, nhằm bảo đảm sự thịnh vượng chung của toàn thế giới.
Tuyên bố cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế, khu vực như WTO, APEC... cần chung tay xây dựng cơ chế thương mại song phương và đa phương rộng mở, công bằng và hợp lý hơn; kêu gọi sự giám sát tài chính tăng cường của các tổ chức như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), qua đó phát huy tối đa vai trò luân chuyển nguồn vốn xuyên quốc gia và hạn chế tác động tiêu cực đối với các thực thể kinh tế.
Theo giới phân tích, toàn cầu hóa thương mại là xu thế tất yếu không thể đảo ngược. Những biểu hiện bảo hộ thương mại hiện nay của chính phủ một số nước được nhìn nhận như chính sách mang tính tình thế.
Nhà kinh tế người Anh David Ricardo từ thế kỷ 18 từng lấy hình ảnh rượu vang Bồ Đào Nha được trao đổi lấy quần áo của Anh làm một ví dụ về thương mại toàn cầu. Trong ví dụ này, ông lập luận, người Anh không phải trồng nho mới được thưởng thức rượu vang, và ngược lại, người Bồ Đào Nha được mặc những đồ dệt may thượng hạng từ Anh quốc mà không cần phát triển ngành công nghiệp may mặc. Ví dụ của Ricardo là dạng sơ khai nhất của thương mại xuyên biên giới. Cùng với thời gian, toàn cầu hóa phát triển sâu rộng cũng đã thay đổi các khuôn thức trao đổi thương mại sang một mức độ rất khó đo đếm được.
Ngày nay, cả thế giới đã phụ thuộc quá nhiều lẫn nhau. Những thập kỷ gần đây, toàn cầu hóa đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo trên phạm vi toàn cầu, song cũng phải thừa nhận rằng toàn cầu hóa kinh tế cũng gây ra một số vấn đề mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới hiện vẫn mong manh, bất kỳ động thái nào mang tính bảo hộ thương mại đều sẽ cướp đi đà tăng trưởng yếu ớt này, sẽ là một “cơn ác mộng” đối với thương mại toàn cầu. Nói cách khác, chủ nghĩa bảo hộ không thể là “lời giải” cho nền kinh tế thế giới đang bấp bênh; toàn cầu hóa là xu hướng không thể đảo ngược.
Một lần nữa cần ghi nhớ bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính gây hủy hoại nền kinh tế châu Á cách đây hai thập kỷ, rằng các cộng đồng trong khu vực nên hợp tác khi đối phó với khủng hoảng. Nói rộng hơn, cộng đồng quốc tế cần phối hợp hành động chặt chẽ hơn nữa để giải quyết các thách thức của thời đại. Qua 16 năm hình thành và phát triển, BFA đã phát huy được vai trò to lớn trong vấn đề này, thông qua việc thống nhất nhận thức chung của các nước châu Á, thúc đẩy hợp tác châu lục, góp phần nâng cao tầm ảnh hưởng của các nước châu Á trên trường quốc tế.