Phó Lãnh đạo Công đảng đối lập của Australia Tanya Plibersek bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở Sydney, ngày 2/7. Ảnh: EPA/TTXVN |
Trong cuộc bầu cử liên bang lần này, mặc dù có 57 đảng phái với 994 ứng viên Hạ viện và 631 ứng viên Thượng viện đăng ký tham gia tranh cử, song trên thực tế, đây là cuộc đua song mã giữa Liên đảng Tự do - Quốc gia cầm quyền của Thủ tướng Malcolm và Công đảng đối lập do ông Bill Shorten đứng đầu. Theo các kết quả thăm dò bên ngoài phòng phiếu, cả hai lực lượng chính trị này đang ở thế bất phân thắng bại.
Các điểm bỏ phiếu tại các bang quan trọng như Queensland và New South Wales đã đóng cửa vào lúc 18h ngày 2/7 theo giờ địa phương (tức 15h ngày 2/7 theo giờ HN), cùng với các bang Victoria, Tasmania và vùng lãnh thổ thủ đô Australia. Còn các bang tại khu vực duyên hải miền Tây đóng cửa hai tiếng sau đó. Có khoảng 15,6 triệu cử tri Australia đủ điều kiện đã đăng ký đi bỏ phiếu tại hơn 7.000 điểm bầu cử trên khắp cả nước. Trước đó, hôm 14/6, khoảng 2,2 triệu cử tri Australia đã tiến hành bỏ phiếu sớm.
Các cuộc khảo sát bên ngoài phòng bỏ phiếu cho thấy liên đảng cầm quyền và Công đảng đối lập có cuộc đua bất phân thắng bại. Cụ thể, kết quả thăm dò do Kênh 9 tiến hành cho thấy hai đảng lớn gồm Liên đảng Tự do - Quốc gia và Công Đảng giành được tỷ lệ ủng hộ là 50 - 50, phản ánh đúng tính chất căng thẳng trong chiến dịch bầu cử 8 tuần qua.
Trong suốt 8 tuần lễ vận động tranh cử, các chính khách của hai bên đã ra sức thuyết phục cử tri bằng những cam kết mạnh mẽ. Liên đảng chú trọng đến chính sách ổn định kinh tế, bảo đảm an ninh quốc gia, trong khi Công đảng tập trung cải cách hệ thống y tế, giáo dục. Đặc biệt sau sự kiện cử tri Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), hai bên càng vận động quyết liệt hơn nhằm thuyết phục cử tri rằng họ có thể chèo lái đất nước vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế hậu Brexit.
Theo giới phân tích, Công đảng đối lập hiện đang có 55 ghế, có khả năng sẽ giành thêm được một số ghế trong cuộc bầu cử lần này, song sẽ không đủ để vượt lên nắm quyền kiểm soát quốc hội gồm 150 ghế của Australia. Trong khi đó, mục tiêu của liên minh cầm quyền duy trì được con số 90 ghế như hiện nay là khá khó khăn, do các cử tri đang có xu hướng dành sự ủng hộ cho các đảng nhỏ và những ứng cử viên độc lập.
Điều này đặt ra khả năng Australia có thể sẽ có nghị viện mà trong đó không có đảng nào chiếm đa số ghế. Và giới phân tích không loại trừ kịch bản Australia sẽ phải thay thủ tướng lần thứ 5 chỉ trong vòng 3 năm qua.