Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 106.670 người mắc COVID-19 và 3.532 người tử vong. Nước có số ca mắc nhiều nhất trong 24 giờ qua là Mỹ với 20.938 ca. Tiếp đó là Brazil với 13.108 ca. Ấn Độ cũng là nước ghi nhận trên 10.000 ca mắc trong 24 giờ qua.
Số ca tử vong hàng ngày cao nhất được ghi nhận ở Mỹ với 665 ca, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 112.055. Đứng thứ hai là Mexico với 625 ca, tiếp đó là Brazil với 409 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Kể từ khi khởi phát tại thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc hồi tháng 12/2019, tới nay, dịch COVID-19 đã lan ra 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Dịch bệnh đẩy nền kinh tế thế giới vào tình trạng tê liệt vì các biện pháp phong tỏa trên diện rộng để ngăn chặn virus lây lan. Giới khoa học và y tế vẫn đang nỗ lực tìm cách phát triển các phương pháp điều trị và tìm kiếm loại vaccine giúp phòng ngừa hiệu quả.
Trong khi đó, ngày 6/6, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) khẳng định cam kết hỗ trợ hơn 21 tỷ USD cho cuộc chiến đẩy lùi dịch COVID-19. Thông báo mới của G20 nêu rõ nhóm này và một số quốc gia bên ngoài đã phối hợp các nỗ lực quốc tế để hỗ trợ cuộc chiến đẩy lùi đại dịch COVID-19. Những cam kết này được triển khai trực tiếp hỗ trợ các hoạt động chẩn đoán, phát triển vaccine, các biện pháp chữa trị, các hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Ấn Độ vượt qua Italy về số ca mắc COVID-19
Ngày 6/6, Ấn Độ ghi nhận tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã vượt Italy - quốc gia từng là tâm dịch châu Âu. Như vậy, Ấn Độ hiện đứng thứ 6 thế giới về số ca mắc bệnh.
Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca mắc cao nhất từ trước tới nay với 10.438 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm trên toàn quốc lên 246.622 người. Trong đó có 6.946 trường hợp tử vong, tăng 297 người trong 24 giờ qua.
Hiện Ấn Độ chỉ đứng sau Mỹ, Brazil, Nga, Tây Ban Nha và Anh về tổng số ca nhiễm bệnh. Dù đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt hơn hai tháng qua, nhưng số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ vẫn đang gia tăng và dịch chưa có dấu hiệu đạt đỉnh. Ấn Độ đang từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế và cho phép nối lại nhiều hoạt động xã hội.
Kêu gọi EU mở cửa biên giới đồng bộ
Ngày 6/6, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã gửi thư tới Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, trong đó đề xuất các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cùng phối hợp mở lại biên giới, khởi động lại ngành du lịch vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19.
Chia sẻ trên Twitter, Thủ tướng Pedro Sanchez cho rằng: “Việc loại bỏ các hạn chế về biên giới tại EU phải được thực hiện trên nguyên tắc phối hợp, dựa trên các tiêu chí chung và minh bạch”. Do đó, Thủ tướng Tây Ban Nha và người đồng cấp Italy đã gửi thư cho Ủy ban châu Âu để thúc đẩy các nước phối hợp cùng mở lại biên giới theo nguyên tắc an toàn. Hai nhà lãnh đạo cũng muốn loại bỏ ý tưởng rằng vẫn còn một số quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và minh chứng người dân châu Âu giờ có thể đi du lịch an toàn tại Italy và Tây Ban Nha.
Đề xuất khẳng định để khởi động lại một cách hài hòa và hiệu quả, việc loại bỏ các hạn chế đối với biên giới nội khối phải được thực hiện trên nguyên tắc phối hợp, không phân biệt đối xử, và dựa trên các tiêu chí dịch tễ rõ ràng, minh bạch. Hai nhà lãnh đạo cũng yêu cầu một quy trình phối hợp, dần dần mở cửa trở lại với biên giới ngoài EU.
Cùng ngày, phát biểu trước báo giới tại thủ đô Ljubljana, Slovenia, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio thông báo Slovenia sẽ mở cửa biên giới với Italy từ ngày 15/6, cho rằng quyết định này rất quan trọng với công dân hai nước cũng như việc khởi động lại ngành du lịch, một lĩnh vực đặc biệt quan trọng.
Chuyến thăm Slovenia nằm trong sứ mệnh công du nước ngoài hậu COVID-19 của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Italy nhằm giải thích với các đồng nghiệp rằng Italy sẵn sàng tiếp đón du khách nước ngoài từ ngày 15/6 và hành động với sự minh bạch tối đa, đồng thời khẳng định Italy không chấp nhận danh sách đen trong hạn chế mở cửa biên giới nội khối.
Italy từ lúc là tâm dịch COVID-19 của châu Âu nhưng nay đã kiểm soát tương đối tốt tình hình. Chỉ số lây nhiễm dịch bệnh tại Italy đã ở mức dưới 1 và Italy không còn trong tình hình nghiêm trọng về dịch COVID-19. Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza ngày 6/6 khẳng định các chỉ số cho thấy Italy đang đi đúng hướng, song vẫn cần thận trọng.
Bộ Y tế Italy khẳng định, dựa trên dữ liệu tích cực về dịch COVID-19, các biện pháp phong tỏa đã cho phép kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên toàn lãnh thổ. Tuy nhiên, Bộ Y tế yêu cầu người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp cần thiết để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm như vệ sinh cá nhân và duy trì khoảng cách an toàn để phòng tránh dịch bệnh.
Tính tới 6 giờ sáng 7/6 (giờ Việt Nam), Italy có 234.801 ca mắc COVID-19, trong đó 33.846 ca tử vong.
Số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc lại vượt ngưỡng 50
Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 6/6 cho biết tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này tăng 51 ca, lên 11.719 ca. Tin tích cực là không có thêm ca tử vong nào, trong khi đã có thêm 25 bệnh nhân COVID 19 ở Hàn Quốc hồi phục hoàn toàn, đưa tổng số ca được chữa khỏi lên 10.531 ca.
Hàn Quốc đã nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội và chuyển sang tiến hành "kiểm dịch trong cuộc sống hàng ngày" bắt đầu từ 6/5 vừa qua. Song ngay sau đó, cơ quan y tế nước này đã phát hiện một số ổ dịch có nguy cơ lây nhiễm rất cao ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận, nơi chiếm tới gần một nửa dân số Hàn Quốc.
Iran kêu gọi người dân duy trì giãn cách xã hội
Ngày 6/6, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo người dân Iran nên chuẩn bị cho việc sống chung với dịch COVID-19 trong thời gian dài trong bối cảnh nước Cộng hòa Hồi giáo này đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn dịch bệnh lây lan.
Phát biểu trong phiên họp hàng tuần với lực lượng đặc trách chống COVID-19, Tổng thống Rouhani nêu rõ người dân không nên cho rằng căn bệnh này sẽ bị loại trừ trong 15 ngày hay một tháng nữa, mà cần tất cả cần tuân thủ hướng dẫn trong thời gian dài. Người dân cần chấm dứt việc tụ tập, bất kể là lễ cưới, đám tang, hay thăm thân trừ phi Bộ Y tế thay đổi khuyến cáo.
Theo người phát ngôn của Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour, số ca mắc COVID-19 tại nước này đã tăng 2.269 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 169.425 ca. Số người tử vong đã tăng 75 ca lên 8.209 ca.
Thời gian qua, nhà chức trách Iran đã dần nới lỏng các biện pháp hạn chế và các hoạt động đã gần như trở lại bình thường tại phần lớn khu vực trong số 31 tỉnh của Iran. Xu hướng các ca nhiễm tăng lên so với mức thấp được ghi nhận vào đầu tháng 5 và việc người dân không tuân thủ giãn cách xã hội đang khiến nhà chức Iran lo ngại. Tuy nhiên, nguyên nhân số ca nhiễm tăng lên có thể là do việc mở rộng xét nghiệm.
Mặc dù giới chức y tế Iran lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai, song Tổng thống Rouhani nhấn mạnh Iran không có lựa chọn khác và hoạt động kinh tế trên cả nước cần được duy trì.
Các trường đại học Iran đã mở lại vào ngày 6/6 sau hơn 3 tháng đóng cửa, trong khi các trường mẫu giáo dự kiến sẽ mở lại vào ngày 13/6 tới. Tổng thống Rouhani thông báo sẽ nới lỏng hạn chế đối với các công ty lữ hành nhằm nối lại các tour nội địa từ ngày 13/6, trong khi các rạp chiếu phim và nhà hát sẽ được mở lại nhưng giảm một nửa công suất đón khách từ ngày 21/6 tới. Phần lớn các đền thờ cũng sẽ được phép hoạt động trở lại, thay vì chỉ tập trung tại những khu vực nguy cơ thấp như tháng trước.
Phát ngôn viên của Tổng thống Kazakhstan mắc COVID-19
Phát ngôn viên của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, ông Berik Uali đã phải nhập viện sau khi phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2.
Thông báo trên trang Facebook cá nhân ngày 6/6, ông Uali cho biết thêm sức khỏe của Tổng thống Tokayev không gặp nguy hiểm. Theo ông Uali, Tổng thống Tokayev, 67 tuổi, thường xuyên được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và các biện pháp an toàn bổ sung đã được áp dụng tại Phủ Tổng thống. Ông khẳng định: "Tổng thống Tokayev tiếp tục công việc như dự kiến, sức khỏe của ông không bị đe dọa".
Kazakhstan hiện ghi nhận 12.511 trường hợp mắc COVID-19, với 53 ca tử vong. Tháng trước, quốc gia Trung Á này đã bãi bỏ các biện pháp cách ly kéo dài 2 tháng, trong khi vẫn duy trì các quy định giãn cách xã hội và đóng cửa biên giới.
Đông Nam Á vượt mốc 100.000 ca mắc
Tính tới hết ngày 6/6 (giờ Việt Nam), số người mắc COVID-19 tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã vượt mốc 100.000, số người tử vong đã vượt mốc 3.000.
Trong ngày 6/6, ASEAN có 2.091 ca mắc COVID-19, trong đó ca bệnh chủ yếu tập trung ở Indonesia, Philippines và Singapore. Ba nước khác ghi nhận ca mắc trong ngày 6/6 là Malaysia (37 ca), Thái Lan (2 ca) và Việt Nam (1 ca). Các nước còn lại không có ca mắc trong 24 giờ qua.
Tình hình tại Indonesia vẫn nghiêm trọng nhất khi số ca mắc trong ngày 6/6 cao kỷ lục với 993 ca. Hai nước có số ca mắc trong 24 giờ qua cũng ở mức ba con số là Philippines với 714 ca và Singapore với 344 ca. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 hàng ngày ở Singapore đã giảm bớt trong những ngày gần đây.
Trong 24 giờ qua, chỉ có ba nước ghi nhận ca tử vong vì dịch bệnh COVID-19 là Indonesia với 31 ca, Philippines với 7 ca và Malaysia với 1 ca. Xét về tổng số ca tử vong, Indonesia cao nhất ASEAN với 1.801 ca tính tới hết 6/6, tiếp đó là Philippines với 994 ca. Các nước còn lại có số ca tử vong trên dưới 100, trong đó có những nước chưa ghi nhận ca tử vong nào tới nay.
Mexico: Số ca mắc COVID-19 vượt 110.000 người
Bộ Y tế Mexico thông báo ghi nhận 4.346 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh lên 110.026 người. Số ca tử vong trong 24 giờ qua là 625 ca.
Đây là ngày thứ 5 liên tiếp Mexico ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong tăng mạnh sau khi Chính phủ nước này ngày 1/6 quyết định dỡ bỏ giãn cách xã hội để từng bước đưa đất nước quay trở lại trạng thái bình thường mới. Chỉ trong 5 ngày qua, Mexico đã ghi nhận 19.362 ca mắc mới và số ca tử vong do COVID-19 tăng thêm 3.240 người.
Thứ trưởng Y tế Hugo Lopez-Gatell nhấn mạnh Mexico vẫn đang trong giai đoạn đỉnh dịch và dự báo số ca tử vong do COVID-19 có thể lên đến 35.000 người. Hiện Mexico đã tiến hành 324.897 xét nghiệm.
Tại khu vực Trung Mỹ, số ca bệnh ở Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador đã lên đến 31.574 người, trong đó có 834 ca tử vong, tăng tương ứng 1.105 ca bệnh và 30 ca tử vong.
Số ca mắc COVID-19 ở Ai Cập tiếp tục tăng mạnh
Ngày 6/6, Ai Cập đã ghi nhận 1.497 trường hợp nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm virus ở quốc gia Bắc Phi này lên đến 32.612.
Theo Bộ Y tế Ai Cập, tính đến nay, tổng số bệnh nhân tử vong do COVID-19 đã lên tới 1.198 người sau khi có 32 ca tử vong được ghi nhận trong ngày 6/6.
Bộ trưởng Y tế Ai Cập Hala Zayed cho hay các cách thức điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 mà nước này áp dụng được cập nhật liên tục. Theo bà Zayed, Ai Cập đã bỏ thuốc Tamiflu khỏi phác đồ điều trị khi loại thuốc này không hiệu quả trong điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Trong khi đó, việc sử dụng thuốc chống sốt rét Hydroxychloroquine vẫn được duy trì trong quá trình điều trị.
Trước đó, người phát ngôn Nội các Ai Cập Nader Saad cho biết chính phủ nước này đã bắt đầu mở cửa trở lại một số cơ sở và loại hình dịch vụ. Dự kiến, vào nửa cuối tháng 6 này, nhiều lĩnh vực sẽ trở lại hoạt động bình thường.