Mặc dù không ghi nhận sự bùng phát dịch COVID-19, khởi phát từ quốc gia láng giếng Trung Quốc từ cuối tháng 12 năm ngoái, song Triều Tiên vẫn tăng cường nỗ lực chống dịch bệnh thông qua việc thắt chặt quy định đi lại tại các đường biên, thực hiện nghiêm túc các thủ tục và quy định cách ly. Theo các nguồn tin trên, đã có tổng cộng 2.420 người được cách ly tại tỉnh Pyongan ở miền Nam, 3.000 người được cách ly ở tỉnh Pyongan thuộc miền Bắc, 1.500 người ở tỉnh Kangwon và 2.630 người ở tỉnh Jagang. Nếu tính cả 380 người nước ngoài vừa chấm dứt thời hạn cách ly ở Bình Nhưỡng, số người được cách ly vượt quá 10.000 người.
Liên quan đến dịch COVID-19, ngày 9/3, một số đại sứ quán ở Triều Tiên đã đóng cửa trong bối cảnh nhiều nhà ngoại giao trở về nước sau nhiều tuần Bình Nhưỡng áp đặt những quy định cách ly nghiêm ngặt để tránh sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Mặc dù Triều Tiên chưa xác nhận ca mắc COVID-19 nào, song đã áp đặt các quy định nghiêm ngặt về cách ly. Biện pháp này cũng khiến hàng trăm người nước ngoài, bao gồm các nhà ngoại giao, bị cô lập tại trụ sở riêng của họ. Những hạn chế đó cuối cùng đã được gỡ bỏ vào tuần trước sau hơn một tháng, trong đó hơn 200 người nước ngoài được phép rời khỏi Triều Tiên.
Kể từ giữa tháng 2 vừa qua, Triều Tiên đã tăng gấp đôi thời gian cách ly lên 1 tháng đối với những người có nguy cơ nhiễm dịch. Với những người có thể đã tiếp xúc với những người trở về từ nước ngoài sẽ tự cách ly tại nhà hoặc tại các cơ sở được chỉ định ít nhất 40 ngày.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, kể từ ngày 9/3, Hàn Quốc sẽ áp dụng quy định mua khẩu trang vào các ngày trong tuần phụ thuộc vào số cuối năm sinh. Theo đó, mỗi người dân được mua tối đa 2 khẩu trang/tuần, vào các ngày dựa theo số cuối của năm sinh. Những người có số cuối năm sinh là 1 và 6 sẽ được mua vào thứ Hai, 2 và 7 được mua vào thứ Ba, 3 và 8 thứ Tư, 4 và 9 thứ Năm, 5 và 0 thứ Sáu. Người nào không mua được trong tuần có thể mua tối đa hai cái vào cuối tuần, không phụ thuộc số cuối năm sinh.
Khi mua khẩu trang, người dân cần xuất trình chứng minh thư nhân dân để các nhà thuốc nhập số chứng minh thư của người mua lên hệ thống rà soát tránh mua nhiều lần. Thông tin người mua sẽ được chia sẻ đến tất cả các hiệu thuốc trên toàn quốc, nên người dân sẽ không thể mua số lượng khẩu trang quá quy định. Những đối tượng có thể nhờ người khác mua hộ khẩu trang cũng được mở rộng hơn tới trẻ em sinh sau năm 2010 và người lớn sinh trước năm 1940. Trong khi đó, những người trong cùng gia đình chỉ cần mang theo chứng minh thư và bản sao đăng ký cư trú là có thể mua hộ khẩu trang cho nhau. Người được hưởng tiền hỗ trợ an dưỡng dài hạn cũng được phép nhờ người khác mua khẩu trang, nhưng phải xuất trình giấy chứng nhận an dưỡng. Ngoài ra, người mua hộ cũng phải tuân thủ quy định mua vào ngày trong tuần dựa theo số cuối năm sinh của bản thân. Đối với trẻ em vị thành niên sinh trước năm 2009 chỉ cần xuất trình hộ chiếu là có thể mua được. Nếu không có hộ chiếu có thể mang theo thẻ học sinh, bản sao đăng ký cư trú kèm chứng minh thư của bố mẹ.
Trước mắt, mỗi ngày, người dân chỉ có thể mua tối đa một khẩu trang tại bưu điện và hệ thống siêu thị Hanaro, không được mua hộ cho đến khi hai nơi này hoàn tất trang bị hệ thống kiểm tra chống mua trùng lặp.
Trước đó. Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban phòng chống tai nạn và quản lý an toàn trung ương Hàn Quốc Chung Sye-kyun ngày 8/3 đã có bài phát biểu tại Tòa thị chính thành phố Daegu, yêu cầu người dân hợp tác. Thủ tướng Chung Sye-kyun giải thích quy định trên được đặt ra là nhằm đảm bảo để người dân được mua khẩu trang công bằng hơn. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc này cũng xin lỗi người dân vì những nỗ lực của chính phủ chưa giải tỏa được vấn đề khẩu trang, đồng thời cam kết sẽ đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, thúc đẩy tối đa hoạt động sản xuất, đồng thời ngăn chăn triệt để những kênh phân phối, sản xuất trái phép.