Cùng với đó, tình trạng thất nghiệp đã khiến hàng triệu người rơi vào ngưỡng nghèo đói, đảo ngược thành quả kinh tế của bao năm qua.
Trung tâm Pew cho biết tầng lớp trung lưu của Ấn Độ, tức là nhóm có thu nhập 10-20 USD/ngày, đã giảm 32 triệu người so với ước tính với giả định không có đại dịch. Sau một năm dịch bệnh hoành hành, số người ở tầng lớp này đã giảm xuống còn 66 triệu, tức là giảm 1/3 so với mức ước tính 99 triệu người đưa ra vào thời điểm trước dịch. Mức giảm này thậm chí bằng hơn một nửa số người gia nhập tầng lớp trung lưu trong cả giai đoạn 2011-2019 với gần 57 triệu người. Trung tâm Pew dẫn dự báo tăng trưởng kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: "So với Trung Quốc, dự báo Ấn Độ sẽ chứng kiến số người thuộc tầng lớp trung lưu giảm mạnh hơn, trong khi số người nghèo thì tăng mạnh hơn".
Tháng 1/2019, WB dự báo mức tăng trưởng gần như tương đương ở Ấn Độ và Trung Quốc, lần lượt là 5,8% và 5,9% vào năm 2020. Nhưng gần một năm sau đại dịch, WB đã điều chỉnh dự báo của mình trong tháng 1/2021 thành suy giảm 9,6% ở Ấn Độ và tăng trưởng 2% ở Trung Quốc.
Ấn Độ đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai tại một số bang công nghiệp sau đợt giảm hồi đầu năm. Hiện nước này đứng thứ ba thế giới về số ca nhiễm (với 11,47 triệu ca), chỉ sau Mỹ và Brazil. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã tăng các biện pháp hỗ trợ, đồng thời dự báo kinh tế suy giảm 8% trong tài khóa hiện nay (kết thúc vào tháng 3 này), trước khi có thể tăng trưởng trở lại khoảng 10% trong tài khóa tới.
Trung tâm Pew ước tính số người nghèo tại Ấn Độ, với thu nhập từ 2USD/ngày trở xuống, đã tăng thêm 75 triệu người, khi suy thoái do dịch đã đảo ngược nhiều năm tăng trưởng. Việc giá nhiên liệu trong nước tăng gần 10% trong năm nay, cùng với tình trạng thất nghiệp và giảm lương đã ảnh hưởng tới hàng triệu hộ gia đình, khiến nhiều người phải ra nước ngoài tìm việc.